Tháng 11 năm 1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã kể lại một giai thoại trong đời ngài như sau: “Khi tôi lên 7, một hôm, cha tôi đưa tôi đến ngôi làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công giáo Tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi phải đặt tôi lên vai của người. Đến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng quá đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành … Thế là, một lần nữa, cha tôi lại đặt tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự”. Và vị Giáo hoàng được mệnh danh là nhân lành ấy đã kết luận như sau: “70 năm đã qua, nhưng tôi vẫn ghi nhớ trong tâm trí cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn trông thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên trên đôi cánh của Người”.
Có ai đó đã nhận xét: “Cuộc đời lớp hậu sinh chúng ta luôn ở trên những tầm cao mới, vì chúng ta được đứng trên đôi vai của những người khổng lồ”. Thật vậy, những thành quả hiện tại luôn là kết tinh bởi công sức, trí tuệ và nhiều khi cả cuộc đời của những người đi trước. Cuộc sống luôn được đặt trên những tảng đá ngầm của lịch sử, thật to lớn và vững chãi. Đàng sau những thành công vang dội, luôn thấp thoáng bóng mờ của một ai đó, có khi là người vợ, người thầy, là người mẹ, người cha, cũng có khi là một người rất tầm thường, mất hút giữa đám người vô danh. Đó là những con người chấp nhận đứng ở phía sau người khác, đóng một vai trò mờ nhạt, làm những công việc vụn vặt, không tên. Nhưng thiếu họ, thì không gì có thể thành sự. Và đây cũng là một lối sống mà Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu cho chúng ta qua một chú bé thời Cựu ước: Samuel (bài đọc 1), và dung mạo của hai thầy trò vùng hoang địa: Gioan tẩy giả và Anrê – em của Simon Phêrô.
Anrê và Gioan vốn là môn đệ của Gioan tẩy giả-một vị tiên tri được nhiều người biết đến. Không ít người đã lầm tưởng chính ông là Đấng Messia. Thế nhưng, tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, đóng vai trò mở đường, vị tiên tri vùng hoang mạc đã không tìm danh vọng cho bản thân. Sau phép Rửa của Chúa Giêsu trên sông Jordan, Gioan chấp nhận lui vào bóng tối trong âm thầm, lặng lẽ như một người tôi tớ đã làm xong công việc. Gioan chấp nhận xa rời các môn đệ yêu dấu, để học trò của mình gặp được Đấng mà ông từng loan báo.
Theo lời Thầy, Anrê và Gioan đã đi theo, đã đến và ở lại với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ và trao đổi thật lạ. Vì hai bên hỏi và trả lời nhau như những người nghễnh ngãng: “Các anh tìm gì thế?” –“Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” –“Hãy đến mà xem!”. Đó là một cuộc gặp gỡ xem ra bình thường, nhưng lại là một “giờ” đầy ý nghĩa đối với Anrê, “giờ” của quyết định, “giờ” của cơ hội, “giờ” thay đổi cả cuộc đời của ông, cuộc đời của “một tông đồ đóng vai phụ”.
Thật vậy, Anrê là vị tông đồ đóng vai phụ. Là môn đệ đầu tiên theo Chúa Giêsu, nhưng tên Anrê lại không hề đứng đầu ở bất cứ danh sách tông đồ trong các sách Tin mừng. Luôn là Phêrô đứng đầu, rồi mới đến Anrê. Trong Tin mừng Marco, tên ông được ghi đến hàng thứ tư.
Có lẽ suốt đời Anrê, mọi việc đều xảy ra như thế. Trong mọi việc, Phêrô giải quyết vấn đề. Phêrô ra lệnh và Anrê trong bóng mờ lủi thủi thi hành. Khi gặp mặt Anrê, rất nhiều người không nhớ tên ông, chỉ biết ông là em của Phêrô.
Đóng vai phụ đâu phải là dễ, nhất là phải đóng suốt đời, ngày này qua ngày khác, tháng này đến tháng kia, trong mọi việc, ở mọi lúc, vào mọi nơi. Anrê sống núp bóng người anh chói loà. Một cách sống không đơn giản. Thế nhưng, không giống những người khác, Anrê không phải loại người bi quan yếm thế. Bởi ông đã học được cách tạo nên những âm thanh tuyệt diệu trên những phím đàn hạng hai. Sau buổi trò chuyện với Chúa Giêsu, ông đã đến gặp anh mình với lời nói như đinh đóng cột: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia.” Có thể Anrê không có tài thuyết phục của Phêrô, nhưng ông đã đem Phêrô đến gặp Chúa. Có thể không bao giờ chúng ta có Phêrô, Đá tảng Giáo Hội, nếu tiên vàn không có một Anrê êm dịu, trầm tĩnh, khiêm nhường.
Lần thứ hai chúng ta gặp Anrê khi ông dẫn đến cho Chúa Giêsu một em bé với năm chiếc bánh, hai con cá trên tay (Ga 6,9) và nhờ đó mà hơn 5000 người được no nê.
Lần thứ ba, là lúc Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem dự lễ Vượt Qua lần cuối cùng. Giữa tiếng reo hò vang dậy cùng những cành lá tung hô, Anrê đã dẫn những người gốc Hy Lạp – những người ngoại giáo, những anh em dự tòng – đến gặp Chúa Giêsu, và chắc hẳn đó là điều làm Chúa hài lòng.
Ngoài ba lần ấy, chúng ta không gặp lại Anrê nữa. Ông chỉ xuất hiện đúng ba lần trong Tin mừng, và lần nào cũng chỉ làm mỗi một việc là đem ai đó đến gặp Chúa. Đầu tiên, ông tự đem chính mình và người anh. Kế đến là một cậu bé. Sau cùng là những người khách Hy lạp.
Anrê là một người bạn chân tình, là người mến phục Chúa Giêsu – theo cung cách lặng lẽ của mình, là người muốn Thầy mình được nhiều người biết đến. Vì thế, ông trở thành người giới thiệu kẻ khác cho Chúa Giêsu. Anrê chỉ làm những việc nhỏ bé như thế, ai cũng làm được. Nhưng thiếu ông là thiếu mất sự thành công. Ông là người đại diện cho những kẻ không được chú ý, hoan hô; những người đóng vai phụ, bị quên lãng. Đó là những con người có vẻ mờ nhạt, tầm thường, nhưng thiếu họ thì không có gì hoàn tất. Họ là những con người khả năng hạn hẹp, những người mà Chúa chỉ ban cho có “một nén”, chứ không được năm hay mười. Nhưng nén bạc duy nhất đó, họ sử dụng hết cho Đức Kitô, Đấng họ hết lòng yêu mến, chứ không nằng nặc giữ lấy cho riêng mình.
Có muôn ngàn cách thế và nẻo đường để Thiên Chúa hướng dẫn con người nhận ra Tin mừng. Thật vậy, Chúa Giêsu không những đã chọn một Anrê tầm thường, Ngài lại chọn Anrê làm môn đệ đầu tiên. Vì sao? Vì những người “một nén” cần thiết cho Nước Trời. Vì trong chương trình của Thiên Chúa không thể thiếu vắng những Anrê, những con người giàu tình bạn chân thành, những người tài năng chỉ có “một nén”, những người không dài hơi cả tiếng với những bài thuyết giảng hùng hồn, nhưng chỉ sống một cuộc đời bình dị, thẳng ngay để làm chứng, để ra đi kể lại câu chuyện: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messias …”. Và theo cái nhìn của Đức Phaolô VI, họ là những chứng nhân đích thực của thời đại hôm nay, một thời đại mà con người tin vào các chứng nhân hơn thầy dạy, thích xem thấy những đời sống biết yêu thương, chân tình hơn là luôn cao giọng với những bài học lý thuyết.
Thưa … thông thường, chúng ta dễ nhớ tới Phêrô lừng danh, còn những Anrê mờ nhạt trong hậu trường thì chúng ta quên đâu mất. Thông thường, chúng ta thích đóng vai chính, làm việc quan trọng như Phêrô, còn vai phụ, việc tầm thường như Anrê thì ít có người nhắm tới. Thực ra, không phải ai cũng có thể làm Phêrô, nhưng bất cứ ai cũng có thể là Anrê –những con người đơn sơ, dung dị nhưng “luôn có Chúa ở cùng và không bao giờ làm cho ơn Chúa ban cho mình ra vô hiệu”. (bài đọc 1)
Thế cho nên, trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, và ngay trong cuộc sống hôm nay, nếu để ý một chút, chúng ta cũng có thể bắt gặp những Andrea như thế giữa cảnh đời lam lũ ngược xuôi. Và biết đâu, một trong những Anrê đó là chính chúng ta, những người – bằng cách sống nhất quán với niềm tin của mình – đang công bố cho thế giới hôm nay tin mừng lớn nhất của mọi kitô hữu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia!” ?
Lm. PTS