Hằng năm, bài Tin mừng chủ nhật thứ hai mùa Chay cho chúng ta nghe lại câu chuyện về việc Chúa Giêsu biến hình. Bấy giờ, Chúa Giêsu rút lui lên núi để cầu nguyện. Trong Thánh kinh, núi là một nơi cao mà Thiên Chúa thường tỏ mình ra để trao cho con người một sứ điệp quan trọng. Thường chúng ta nghĩ đến núi Sinai và nhất là núi Canvê. Hôm nay, Chúa Giêsu dẫn ba môn đệ của mình lên núi Taborê. Người đang cầu nguyện thì ánh hào quang bất ngờ rạng chiếu. Kinh nguyện của Người khẩn thiết đến nỗi ánh sáng tỏa rạng trên khuôn mặt và y phục của Người.
Ông Môsê và ông Êlia, hai người của núi cao xuất hiện. Các ngài là những chứng nhân cho Giao Ước cũ. Chính các ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa. Ông Môsê được Thiên Chúa cho gặp trên núi Sinai, trong tiếng gầm thét và cuồng nộ của bão táp. Còn ông Êlia thì được nhìn thấy thánh nhan của Người trên núi Hô rép, trong tiếng gió nhẹ thoảng qua. Cả hai đều nghe Chúa nói. Lần nầy, trên núi Taborê, các ngài lại xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc ra đi sắp tới của Người, biến cố bao gồm cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Người. Đó là trọng tâm lời cầu nguyện của Đức Kitô.
Luca là tác giả duy nhất ghi chú rằng biến cố biến hình đã diễn ra trong khi Chúa Giêsu cầu nguyện. Các môn đệ là chứng nhân ưu tiên cho cuộc giao tiếp thân mật giữa Người và Thiên Chúa Cha. Thân mật đến nỗi những kẻ chung quanh Người cũng đều được chiêm ngưỡng. “Kinh nguyện nhiều khi khiến khuôn mặt các Thánh bừng sáng lên” (Cha Lagrange). Mong sao lời cầu nguyện biến đổi chúng ta! Ước gì những giây phúc chia sẻ và chiêm ngắm trước nhan Chúa có thể biến đổi chúng ta! Điều ấy rất đáng suy nghĩ, đặc biệt trong thời gian mùa Chay nầy.
Quả thật, có nhiều khi Chúa cho chúng ta nhận ra những giây phút dạt dào ân sủng và soi sáng ấy trong khi cầu nguyện. Lời cầu nguyện là lực nâng tâm hồn chúng ta lên, ban cho chúng ta nghị lực và niềm vui để đối đầu với những thử thách trong cuộc sống. Thánh Inhaxiô gọi niềm vui là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong khi sự buồn thảm và thất vọng là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Satan.
Nhưng có một nguy cơ tiềm ẩn là muốn nán lại trong cảm giác hạnh phúc thiêng liêng ấy. Trên núi, ông Phêrô cảm thấy hân hoan tột độ, đến nỗi ông muốn dựng ba lều, một cho Chúa Giêsu, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia, mà chẳng quan tâm gì đến những người khác. Và để tránh cho chúng ta những cám dỗ tương tự nên Chúa Giêsu chỉ thỉnh thoảng cho phép vài giây phút biến hình ấy trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Kinh nguyện đích thực phải dẫn chúng ta trở xuống núi để bước đi trong cái đơn điệu thiêng liêng của cuộc sống hằng ngày.
Điều cần phải hiểu rõ là lời cầu nguyện trước tiên không phải là của chúng ta nhưng chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Đó chính là sự trút bỏ chính mình để tạo không gian cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta cầu nguyện rất tha thiết, nhưng cũng có khi ánh sáng vụt tắt. Khi gặp những giây phút ấy, chúng ta đừng thất vọng, vì Chúa Giêsu luôn hiện diện. Cũng như các môn đệ, lúc nào chúng ta cũng có thể xin Người dạy cho chúng ta cầu nguyện. Và Người sẽ nhắc lại: “Hãy cầu nguyện: Lạy Cha chúng con…” Như thế là đủ, tức là để cho tiếng nói yêu thương trìu mến ấy từ đáy tâm hồn chúng ta dâng lên Cha không ngừng yêu mến chúng ta.
Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta được mời gọi thay đổi tâm hồn chúng ta để trở về với Đức Kitô là Ánh sáng trần gian. Lời cầu nguyện là một trong những con đường cho phép chúng ta đến gần Người. Dù không phải lúc nào cũng giống nhau, Lời Thiên Chúa Cha luôn luôn nhắc cho chúng ta phải lắng nghe Con chí ái và đi theo Người cho đến cùng. Lời cầu nguyện cho phép chúng ta hiểu rõ hơn chương trình của Thiên Chúa để biến thành chương trình của chúng ta. Nó giúp chúng ta thay đổi cách nhìn trên mọi người và mọi sự để có cái nhìn của Thiên Chúa.
Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi một cố gắng. Cả ba môn đệ muốn thiếp đi vì mệt mỏi, cũng như sau nầy khi Chúa Giêsu cầu nguyện trên núi Cây dầu trước cuộc khổ nạn. Cuộc cám dỗ tương tự cũng đang rình rập tất cả chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của chúng ta trống rỗng thì không phải là tại Thiên Chúa không hiện diện, mà chính là chúng ta không hiện diện trước nhan Người. Chúng ta dễ có khuynh hướng ngủ quên và sống mùa Chay nầy như những ngày khác trong năm.
Bởi thế, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện trong ánh quang núi Taborê, mà còn trong bóng tối của vườn Giếtsêmani và trên thập giá. Trong những lúc buồn khổ, nhiều khi chúng ta muốn gào thét lên nỗi sợ hãi của chúng ta với Chúa Giêsu trên thập giá. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ gợi lên trong chúng ta tâm tình phó thác cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta gặp Thiên Chúa trong Lời và Thánh Thể của Người. Đó là thời gian chúng ta ở gần Người và các anh em của chúng ta, và có thể coi như là thời khắc biến hình. Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta hãy để cho Đức Kitô soi sáng để cái nhìn và diện mạo của chúng ta nói lên một điều gì đó về tình yêu của Thiên Chúa.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc