CHƯƠNG VII:
SUY TƯ THẦN HỌC VỀ CHÚA THÁNH THẦN
Muốn có một suy tư tổng hợp và cô đọng về Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể dựa trên ba từ ngữ cơ bản sau đây: Ektasis (xuất thần), Kenosis (tự hạ) và Synthesis (kết hợp). Ba từ ngữ này nhằm giúp chúng ta tổng hợp cả hai truyền thống thần học Hy lạp và Latinh về Chúa Thánh Thần.
I. EKTASIS: XUẤT THẦN
Đặc tính “Xuất thần” của ngôi vị và hoạt động của Chúa Thánh Thần chứa đựng trong chính từ ngữ được dùng để chỉ Thánh Thần là chữ Thần Khí (ruah, pneuma). Thánh Thần là gió, là hơi thở, là khí, là hương thơm, là một thực tại sống động luôn ra khỏi chính mình. Mạc khải thường liên kết Thánh Thần với sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử. Cựu ước khởi đầu với Thần Khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,2). Thần Khí xuống trên các lãnh đạo của Dân (Tl 3,12; 6,34; 13,25), và trên các ngôn sứ (Ed 3,12; 8,3; 11,1). Giao ước mới cũng khai trương với Thánh Thần xuống trên Trinh Nữ Maria (Lc 1,35), trên Đức Giêsu (Mc 1,10), trên các tông đồ (Cv 2,4). Thánh Thần đều được biểu lộ mỗi lần Thiên Chúa tự hiến chính mình.Thánh Thần là quyền năng làm nên lịch sử, Người đưa sự sống đến cho tạo dựng, đưa ân sủng đến cho lịch sử.
Nhờ Thần Khí mà tạo dựng bắt đầu từ hư vô, và sự sống tràn lan trên mặt đất. Tất cả công trình tạo dựng như một khai mở xuất thần, một sự vượt qua chính mình luôn mãi, phóng mình lên trên, lao mình ra phía trước. Chúng ta tin rằng trong vũ trụ có một năng lực không ngừng quy tụ và thăng tiến, đó là Thần Khí Đức Kitô hiện diện và nội tại trong toàn thể tạo thành. Chúng ta không nhắm mắt trước tội lỗi, nhưng tin tưởng vào Thánh Thần, Đấng không loại trừ sự chết, nhưng biến đổi thành kinh nghiệm phục sinh.
Thần học đông phương (giáo phụ Hy Lạp) nhìn Chúa Thánh Thần như sự khai mở của Thiên Chúa ra khỏi chính mình.
Trong hành trình xuất ngoại, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa ra khỏi chính mình, đi đến với con người, cho Thiên Chúa một xác thể (Nhập thể), làm cho con người ra khỏi mình để gặp gỡ Thiên Chúa, cho con người mang lấy thần linh (thần hóa). Nơi Đức Giêsu, Thánh Thần làm cho Thiên Chúa và con người kết hợp với nhau. Chúa Giêsu là khuôn mặt thần linh của con người, và là khuôn mặt con người của Thiên Chúa. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa trở thành xác phàm, để loài người, kết hợp với Thần Khí, nên một trong Thần Khí. Ngài là Thiên Chúa mang xác thể, để con người mang thần linh. Thiên Chúa Ba Ngôi tự hiến trong Thánh Thần, trước hết là sự tự hiến cho nhau giữa các ngôi vị, sau đó Thiên Chúa trở thành Hồng Ân. Thánh Thần là Ngôi Vị Yêu Thương, là Ngôi Vị Hồng Ân (DeV 10). Thánh Thần là Ngôi Vị, càng hiện hữu tự tại, thì càng khai mở, càng khai mở thì càng hiện hữu tự tại.
Truyền thống Tây phương vẫn quen coi Thánh Thần là chiều sâu của Thiên Chúa, là Tình Yêu sâu thẳm nhất trong Thiên Chúa, là Tình Yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con (vinculum amoris), và đây là điểm gặp gỡ với truyền thống Đông phương.Thánh Thần vừa là Đấng bên trong (Intimum Dei), vừa là Mút Cùng (Extremum Dei). Đấng nội tại nhất lại là Đấng siêu việt nhất. Sự viên mãn hữu thể là tình yêu viên mãn. Tình yêu tự hiến giữa Chúa Cha và Chúa con như cô đọng trong ngôi vị Thánh Thần. Thánh Thần như sự xuất hành trọn vẹn của Chúa Cha và của Chúa Con. Các Ngôi Vị hoàn toàn từ bỏ chính mình, làm cho Tặng Phẩm dành cho nhau trở nên một ngôi vị khác biệt với chính mình.
II. KENOSIS: TỰ HẠ
Thiên Chúa vựợt trên chính mình bằng cách hạ mình. Sự xuất ngoại của Thánh Thần là một sự hạ mình. Yêu thương đích thực là cho đi chính mình, là đánh mất bản thân (Ga 12,24; Mc 8,35)
Trong suy tư thần học về sự sống nội tại cũng như đối ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa, truyền thống Đông phương cũng như Tây phương đều nhận ra sự hạ mình thẳm sâu của Chúa Thánh Thần. Có thể coi Chúa Thánh Thần gần như không có danh xưng riêng biệt. Hai chữ Thánh và Thần ghép lại để làm nên danh xưng cho Ngài là những từ ngữ chỉ các ưu phẩm chung cho Chúa Cha và Chúa Con. Thánh Augustinô đã lưu ý tới đều đó. Thánh Tôma còn nghĩ rằng sự “phát xuất” của Chúa Thánh Thần cũng không có tên riêng. Theo E. Brunner, sự độc đáo của Chúa Thánh Thần là hiện hữu cho. Múc độ hiện hữu cho cao đến gần như làm lu mờ chính chủ vị của Ngài. Ngôi vị của Ngài giống như vô chủ vị. Ngôi vị Chúa Cha và Ngôi vị Chúa Con trong mạc khải khá rõ và rất dễ bắt gặp. Chúa Cha là Cha, Đấng sinh ra Chúa Con trong Thánh Thần. Chúa Con là Con, Đấng được Chúa Cha sinh ra trong Thánh Thần. Chúa Cha được Chúa Con mạc khải, Chúa Con được Thánh Thần mạc khải. Còn Ngôi Vị Thánh Thần như ẩn khuất đằng sau hai ngôi vị kia. Chúa Thánh Thần như hơi thở của tiếng nói của cha “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con” (Tv 2,7); hơi thở của tiếng nói của Con hướng về cùng Cha, kêu cầu Cha “Abba, Cha ơi”.
Chúa Thánh Thần như không sử dụng chữ “Tôi”. Ngài là “sự phong nhiêu của Thiên Chúa”, nhưng chẳng có ngôi vị nào phát xuất từ Ngài. Ngài là chìa khóa để mở mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng chính Chúa Con được sinh ra và Chúa Con nhập thể;và thế giới được tạo dựng theo hình ảnh Chúa Con. Ngài là sự hiệp thông, phục vụ cho sự gặp gỡ vĩnh hằng giữa Chúa Cha và Chúa Con, là dây liên kết thần linh giữa Cha và Con.
Ngay cả trên bình diện lịch sử cứu độ, Thánh Thần vẫn luôn hạ mình. Trong cựu ước, Ngài biểu lộ như là sức mạnh của Thiên Chúa, được diễn tả bằng những hình ảnh vô chủ vị, như hơi thở, nước và lửa. Trong Tân ước, Chúa Con hạ mình trong biến cố nhập thể. Chúa Thánh Thần hạ mình trong biến cố ngũ tuần. Nơi Chúa Con, thần tính ẩn dấu trong nhân tính. Nơi Thánh Thần, ngôi vị ẩn dấu đằng sau thần tính. Chúa con hạ mình cho tới ngày phục sinh; Chúa Thánh Thần hạ mình cho tới ngày quang lâm cánh chung.
Chúa Thánh Thần luôn hướng về Chúa Kitô, tháp nhập các tín hữu vào Chúa Kitô; hướng về Chúa Cha, tạo nên cho Chúa Cha những người con. Có Thánh Thần, chúng ta thuộc về Chúa Kitô (Rm 8,9), chúng ta hướng về Chúa Cha (Rm 8,15; Gl 4,6). Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho chúng ta và trong chúng ta, nhưng không làm cho chúng ta ngỏ lời với ngài, trái lại ngỏ lời với Chúa Cha qua lời cầu của Chúa Con, và hướng dẫn chúng ta tuyên xưng Chúa Con (1Cr 12,3). Cách Ngài hoạt động trong chúng ta, làm như hành động chỉ là của riêng ta. Người hiện diện trong chúng ta cách kín đáo; làm cho chúng ta trở nên chính mình. Ngài chấp nhận trở nên “Ơn tha tội” của Thiên Chúa dành cho những kẻ có tội. Trong Thánh Thần, Thiên Chúa như tự hủy để cho con người được sống.
Công việc của Chúa Thánh Thần là một công việc âm thầm cho đến tận thế. Ngài không bao giờ nói gì về chính mình, nhưng chỉ nói về Chúa Cha và Chúa Kitô; cũng không tự động nói điều gì, mà mọi sự đều do Chúa Kitô (Ga 16,13-15). Ngài cũng không bao giờ làm vinh danh chính mình, nhưng luôn làm vinh danh Chúa Kitô. Ngài vẫn là Đấng không được biết đến bên kia Ngôi Lời. Ngày cánh chung, khi Chúa Cha trở nên mọi sự trong mọi nguời, ngài sẽ như ánh sáng chiếu soi gương mặt Chúa Kitô và gương mặt các thánh, nhưng ngài vẫn như không có gương mặt riêng, Ngài tự biểu lộ nơi những con người dựơc thần hóa, là Thánh Thần trong các thánh.
III. SYNTHESIS: KẾT HỢP
Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhấn mạnh khía cạnh này: trong đời sống thẳm sâu nhất, Thiên Chúa là Tình Yêu. Bản Chất Tình Yêu chung cho cả Ba Ngôi; Tình Yêu chủ vị hay Ngôi Vị Yêu Thương là Thánh Thần, Thánh Thần của Cha và của Con (De V).
Theo Augustinô, Ngôi Ba là Tình Yêu cao vời nối kết Chúa Cha và Chúa Con, và nối kết chúng ta với các Ngài. Trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa ban cho chúng ta Hồng Ân không thấp hơn chính mình Ngài. Thánh Thần là hồng ân của Thiên Chúa được ban cho những ai nhờ đó mà yêu mến Thiên Chúa. Thánh Tôma cũng lấy lại tư tưởng này và dành cho Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt hai danh xưng “Tình yêu” và Hồng Ân” (Amor – Donum).
Thần học Hy Lạp ít nhấn mạnh đến khía cạnh này hơn, nhưng cũng gặp gỡ thần học La Tinh, khi bàn đến Thánh Thần như là cùng đích, là sự hoàn tất trong Ba Ngôi: Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Cha duy nhất nhờ Chúa Con duy nhất, và như thế hoàn tất Ba Ngôi vĩnh phúc (Basile, De spiritu S. 18,45). “Mỗi hành động đều phát sinh từ Chúa Cha, tiến hành nơi Chúa Con và hoàn tất trong Chúa Thánh Thần” (Grégoire de Nysse, Quod non sint tres dii, P.G 45.129). Công đồng Constantinople II năm 553 đúc kết giáo lý này trong câu: “Chỉ có một Thiên Chúa và là Cha độc nhất bởi đó mà có mọi sự, chỉ có một Chúa Giêsu Kitô độc nhất nhờ đó mà có mọi sự, chỉ có một Chúa Thánh Thần độc nhất trong đó mọi sự đều hiện hữu” (DS 421). Richard de S. Victor có một công thức tuyệt diệu: “in Patre origo unitatis, in filio inchoatio pluritatis, in Spiritu Sancto completio trinitatis” (nguồn gốc sự Duy Nhất là ở nơi Chúa Cha, Số nhiều bắt đầu nơi Chúa Con, Ba Ngôi hoàn tất trong Chúa Thánh Thần) (PL 196,992).
Chúa Thánh Thần là sự tự hiến hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con: là sự ra khỏi, là sự hướng về, là vận hành sống động của tình yêu và sự sống, mà thần học gọi là “chu lưu vận”. Một bên là Chúa Cha, bên kia là Chúa Con; Chúa Cha ở đầu, Chúa con ở cuối, Chúa Thánh Thần ở đầu trong Đấng sinh hạ, và ở cuối trong Đấng được sinh ra. Mặc dù nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (thần học La Tinh), Chúa Thánh Thần không đến sau Chúa Cha, cũng không đến sau Chúa Con, bởi vì Chúa Cha là Cha trong Thánh Thần, Chúa Con là Con trong Thánh Thần.
Chúa Cha vừa sinh ra Ngôi Lời, vừa đối diện với Ngôi Lời, vừa nên một với Ngôi Lời trong Chúa Thánh Thần là Tình Yêu kết hợp. sự gặp gỡ, kết hợp giữa Cha và Con mật thiết và cụ thể đến nỗi làm thành một ngôi vị là Ngôi Ba, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị trong hai ngôi vị kia. Sự duy nhất trong Thiên Chúa không có trước các ngôi vị. Các Ngôi Vị không là chướng ngại cho sự duy nhất, nhưng là nguồn gốc của sự duy nhất, vì các ngôi vị có tương giao trọn vẹn với nhau: mỗi ngôi vị đều trao ban trọn vẹn sự sống thần linh viên mãn của mình cho nhau. Nguồn gốc của sự duy nhất là Chúa Cha, Chúa Con là Hình ảnh, Chúa Thánh Thần là sự chủ vị hóa, vì Ngài là tương quan giữa cha và con. Nhờ sự nội tại của Thánh Thần, vừa là của Cha, vừa là của Con, mà Cha hiện diện trong Con nhờ Thần Khí của Cha. Con hiện diện trong Cha nhờ Thần Khí của Con, và như vậy Thần khí chính là sự hiệp thông sâu thẳm nhất giữa Cha và Con. Và chức năng của Thần Khí trong lịch sử cứu độ là nối kết tất cả, đưa tất cả vào Tình Yêu Vĩnh Hằng là sự hiệp thông Ba Ngôi. Đặc biệt thế giới loài người là thế giới các tương quan, và mọi tương quan đều phải trở thành tương quan tình yêu, bấy giờ nhân loại mới thực sự là nhân loại. Nhân loại thực sự trở nên chính mình nhờ Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần.