Ý NGHĨA CỦA VIỆC PHONG THÁNH
TRONG GIÁO HỘI
Cha Pascual Cebollada SJ,
thành viên của Bộ Phong Thánh
Nhân kỷ niệm 400 năm (1622 – 2022) ngày được tuyên thánh của thánh Inhaxiô và thánh Phanxicô Xaviê, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Cha Pascual Cebollada – Dòng Tên, hiện đang làm việc tại Bộ Phong Thánh về ý nghĩa của việc phong thánh trong Giáo Hội.
Cha Pascual Cebollada SJ, thành viên của Bộ Phong Thánh
Sự thánh thiện khởi nguồn từ Thiên Chúa, chính Ngài là Đấng Thánh. Vì thế, mỗi người được mời gọi trở nên thánh thiện, đó là cùng đích của mỗi tạo vật được Thiên Chúa dựng nên để sống hạnh phúc với Ngài mãi mãi. Cùng đích này đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực sống noi theo gương mẫu của Chúa Giêsu Kitô và chính Thánh Thần sẽ là Đấng hướng dẫn mỗi người hầu có thể sống theo những thúc đẩy thánh thiện trong đời sống mỗi ngày.
Như vậy, theo cách này, có thể nói một vị thánh là người chấp nhận để cho Thánh Thần hướng dẫn trong mọi biến cố của đời sống, đặt mọi sự của mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Đặt mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa có nghĩa là mỗi cá nhân phó dâng những dự định, thời gian, thành công hoặc thất bại, cả những suy nghĩ và chọn lựa của mình cho Chúa. Theo đó, mỗi cá nhân sống từng giây phút một cách sống động, ý thức sự hiện diện của Chúa qua đôi tai biết lắng nghe và đôi mắt biết nhìn ngắm để cố gắng đáp lại lời mời gọi của Chúa trong mỗi hoàn cảnh sống của mình. Qua những cố gắng như thế mỗi ngày, dần dần cá nhân sẽ cảm nhận rằng mình làm mọi sự cho Chúa và trong Chúa, hiến dâng tất cả đời mình để sống thánh thiện, để đạt được những mối phúc: nghèo khó, hiền lành, tâm hồn trong sạch, khao khát hòa bình và công chính. Sống một đời sống như thế mỗi ngày là đang bước đi trên đường hoàn thiện của Thiên Chúa cho dẫu còn nhiều điều chưa hoàn thiện nơi cuộc sống trần thế này.
Việc phong thánh bắt đầu khi Giáo Hội khám phá ra nhiều chứng nhân đã sống những mối phúc theo lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Nhất là ngang qua cái chết của họ, đời sống của các Kitô hữu được giúp đỡ về mọi mặt. Những chứng nhân ấy như những trung gian chuyển cầu lời nguyện xin của các Kitô hữu lên Thiên Chúa. Hơn nữa, Giáo Hội cần những chứng nhân sống đức tin mạnh mẽ và kiên cường giữa cuộc sống đời thường. Các chứng nhân trong những thời kỳ đầu của Giáo Hội là những người đã liều mạng sống mình để tuyên xưng niềm tin vào lời giảng dạy của chính Đức Giêsu Kitô. Sau đó, khi đã qua giai đoạn bách hại đạo, các chứng nhân đã sống thánh nơi đời sống đạo đức thánh thiện, bắt chước theo những nhân đức sáng ngời của Đức Giêsu Kitô về khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục trong cuộc sống. Tất cả đời sống là một sự hy sinh, từ bỏ để trở nên thiết thân hơn với Chúa và nhạy bén để nhận ra và sẵn sàng đáp trả lời mời gọi sống thánh thiện mỗi ngày.
Để tiến hành việc phong thánh cần phải trải qua một tiến trình cụ thể. Thứ nhất, Bộ Phong Thánh sẽ thu thập thông tin về đời sống của vị chứng nhân dựa vào các thông tin có được từ những người làm chứng và nhiều tài liệu liên quan để lập hồ sơ phong thánh. Thứ hai, cần có một khoảng thời gian để xác định thông tin thu thập, cũng như chứng thực những phép lạ mà vị chứng nhân đã thực hiện. Sau khi hồ sơ phong thánh hoàn tất, nghĩa là được duyệt xét cẩn thận, Đức Giáo Hoàng sẽ tuyên phong vị chứng nhân là Đấng Đáng Kính, hoặc Chân Phước, hoặc tuyên Thánh theo đức tin Công giáo. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt có thể không thông qua các giai đoạn như trên.
Ngày 12.03 sắp đến là ngày kỉ niệm 400 năm ngày được tuyên thánh của 2 vị thánh Dòng Tên là thánh Inhaxiô và thánh Phanxicô Xaviê. Tạ ơn Chúa, Dòng Tên tính đến nay đã có 53 vị thánh được tuyên phong trong đó có 34 vị tử đạo. 400 năm chứng kiến nhiều sự thay đổi, nhưng đời sống thánh thiện và gương sáng của hai vị thánh, hai người bạn đường đầu tiên vẫn không hề đổi thay trong nhịp sống của mỗi người Giêsu hữu và những người đang sống theo linh đạo Inhã trên khắp thế giới.
Nhật Tài S.J.
Lược dịch từ: jesuits.global (08.3.2022)
Nguồn: dongten.net (11.3.2022)