VÙNG NGOẠI BIÊN

VÙNG NGOẠI BIÊN

Bạn đọc thân mến, trong bài cảm nhận mục vụ tuần này, người viết xin được trở về với đôi dòng cảm nghiệm mục vụ của mình trong năm thử vừa qua tại một Giáo xứ miền sơn cước thuộc tỉnh phía Bắc của đất nước.

Vâng lời bền trên, đến vùng ngoại biên

Tôi được nhận bài sai tới một giáo xứ vùng ngoại biên của Giáo phận. Nơi đây có thể gọi là miền truyền giáo hay đúng hơn là tái truyền giáo. Nói là truyền giáo, vì nơi đây là khu vực của nhiều anh chị em lương dân và nhiều người chưa biết tới đạo Công Giáo, với nhiều dân tộc khác nhau. Chủ yếu là người Kinh và một số không nhỏ anh chị em người Dao, Mường sống xen kẽ với nhau. Nơi đây cũng có thể nói là vùng tái truyền giáo của Giáo phận. Bởi lẽ với con số khoảng trên sáu trăm tín hữu, họ là những người từ các nơi khác tới đây để lập nghiệp và sinh sống. Tạm gọi họ là di dân. Hầu như đời sống đức tin của các Kitô hữu nơi đây đang trong tình trạng bị khủng hoảng, mai một và có nguy cơ bị suy thoái cao.

Vấn đề sống đạo nơi vùng ngoại biên

Những năm gần đây đã có nhiều người bỏ đạo, hoặc một số không còn đến nhà thờ hay chịu các Bí tích nữa. Điều khó khăn là nơi đây chưa được chính quyền công nhận là tổ chức tôn giáo để có thể hoạt động cách bình thường như các nơi khác. Việc này cũng gây nhiều khó khăn trong mục vụ của Giáo phận nhiều năm trước đây và ngay cả bây giờ. Theo như những người cao tuổi của nơi đây kể lại, đã gần 30 năm rồi chưa từng có một linh mục nào tới ở với họ. Nếu có thì các linh mục cũng chỉ tới dâng lễ một năm được mấy lần và không được ở lại đó để làm mục vụ, vì sự cấm cách của chính quyền địa phương. Điều này đã làm cho những người giáo dân nơi đây rơi vào cảnh đạo giữa đời. Họ như đàn chiên không người chăn dắt và phải tự nuôi dưỡng, giữ gìn đức tin của mình. Nhiều người lớn tuổi thì vẫn còn hăng say và sống đức tin tốt, nhưng cũng đã có nhiều người trong số họ bỏ không tới nhà thờ nữa. Hay thậm chí là cả gia đình và họ hàng cũng theo nhau khước từ Chúa luôn.

Câu chuyện trả lại Chúa

Còn nhớ ngày đó khi Cha và tôi mới về xứ được mấy ngày, có một gia đình kia đưa tới một bọc túi to, bên trong là ảnh tượng của Chúa, Mẹ và các thánh. Họ nói: “chúng tôi xin trả lại Chúa với Mẹ của cha. Đời cha mẹ chúng tôi đã theo đạo mấy chục năm nay rồi nhưng vẫn nghèo, vẫn khổ. Con cái chúng tôi sinh ra cũng không khá hơn được mấy so với bạn bè nó. Chúng tôi theo đạo vậy là đủ rồi, nay xin trả lại cho cha”. Sau đó ít lâu tôi mới được nghe người ta nói về hoàn cảnh gia đình đó. Họ là những người ở một nơi xa di dân tới đây để làm ăn và định cư luôn. Cha ông của họ theo đạo Công giáo, rồi đến lượt họ và con cháu của họ cũng được nhập đạo. Cho tới ngày, cha mẹ và những người anh em của họ đã qua đời và không còn ai ở đó nữa, thì họ đã không giữ được đức tin của mình nữa và đã xin thôi đạo. Như thế, một thế hệ giữ đức tin bấy nhiêu năm nay đã không còn nữa. Rồi không biết sau này tới con cháu của họ sẽ ra sao? Và còn bao nhiêu gia đình nữa sẽ rơi vào tình trạng này?

Chuyện giữ đạo theo mùa

Điều muốn nói nữa ở nơi đây, chính là tình trạng “Đạo thời tiết”. Vì đời sống đức tin không được bén rễ sâu nên lòng đạo của họ cũng nửa nạc nửa mỡ. Những việc thờ phượng, đạo đức, đi tham dự thánh lễ hay lãnh nhận Bí tích của họ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của mỗi gia đình. Họ sẵn sàng bỏ lễ Chúa Nhật hoặc nhiều năm không đi xưng tội rước lễ chỉ vì phải làm ăn, mưu sinh cuộc sống. Hay nhiều khi do trời nắng, mưa thất thường mà họ cũng sẵn sàng ở nhà, không tới nhà thờ. Có những cha mẹ đầu tư cho con thời gian và tiền của để đi học văn hóa, còn việc đến nhà thờ học Giáo lý thì thật khó khăn. Ngay cả chính những cha mẹ trẻ họ cũng chỉ giữ được đức tin tối thiểu. Nếu như tốt thì còn giữ được việc đi tham dự lễ Chúa Nhật hay một số ngày lễ buộc trong năm. Số khác thì chỉ còn biết làm dấu và may ra thì biết đọc được mấy kinh quen thuộc.

Đời sống luân lý

Thêm nữa, điều báo động ở đây là tình trạng đời sống luân lý trong các gia đình trẻ. Có nhiều cảnh mẹ góa con côi, hay gà trống nuôi con. Và nguy hiểm hơn là việc ly hôn, ly thân của nhiều đôi bạn trẻ mới kết hôn hay cả những cặp đã chung sống nhiều năm. Các gia đình trẻ còn giữ được mối dây hôn phối ở đây chỉ chiếm một số rất nhỏ trên tổng số các gia đình trẻ. Từ đó vấn đề về đời sống luân lý trong họ hàng, gia đình và xóm làng còn nhiều ngăn trở, nên đời sống đức tin của họ cũng kéo theo trầm trọng. Họ thực sự đang trên đà dốc của vấn đề luân lý và đức tin. Họ đang rất cần có những mục tử nhiệt thành và những người làm công tác tông đồ đến để củng cố và giúp họ vực dậy.

Đức tin được nảy mầm

Trái ngược với tình trạng đời sống đức tin ở đây là trường hợp đặc biệt của một gia đình cô chú kia xin gia nhập đạo Công giáo (nói tới đây thì người viết có chút kỷ niệm gắn bó với gia đình nhỏ này). Cô chú là người thuộc dân tộc thiểu số, sống thuộc khu vực của đồng bào Mường trong thung núi. Họ đã lập gia đình được khoảng hơn 30 năm, đã có 3 người con và 4 đứa cháu. Được biết chú là người rất hiền lành và đã nghe biết về đạo Công giáo mấy năm trước đây qua một người bạn. Và họ đã rất khao khát được trở thành Kitô hữu. Biết tin đó, cha xứ và người đang kể chuyện cũng đã tới thăm hỏi gia đình cô chú một vài lần. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện, chia sẻ cùng nhau về đời sống thường ngày cũng như những giá trị của đạo Công giáo, qua đó, gia đình cô chú được vững tin hơn và xác quyết với chọn lựa của mình. Sau đó không lâu giáo xứ đã chính thức đón nhận thêm bốn Tân tòng (hai ông bà và hai cháu nội của họ), trong dịp lễ Phục Sinh. Như thế, những ảnh tượng Chúa và Mẹ đã được chuyển tới một nơi mới, nơi mà đức tin mới được nảy sinh và đang nhen nhúm trong Giáo hội.

Dù đã có một niềm vui lớn là thêm những con chiên mới được gia nhập đạo, nhưng điều đáng quan tâm và thao thức nơi đây vẫn là đời sống đức tin của các kitô hữu. Họ cần có những nhà truyền giáo nhiệt thành, họ cần được chăm sóc và bảo vệ niềm tin tôn giáo của minh.

Lời nhủ

Trên đây là đôi dòng hồi ký của người viết về nơi mình đã tới, sinh sống và gắn bó trong năm thử vừa qua. Và còn nhiều những kỷ niệm vui buồn nữa ở nơi đây, xin được giữ lại cho riêng mình như một lời nhủ và thao thức khi nghĩ về. Ước mong sao sẽ có những mục tử quảng đại, hăng say và hy sinh tới đây để làm cho những hạt mầm đức tin được vươn dậy và sinh trưởng hơn. Và người đang nói cũng luôn hướng về và hy vọng rằng sẽ có cơ hội được trở lại đó lần nữa để tiếp tục hành trình của mình trong sứ vụ tương lai.

.

THẦN HỌC I- KHOÁ XV

.

.

.

Comments are closed.