Công bằng xã hội không phải chỉ là một danh từ thời thượng, mà trước hết là một khát vọng thâm sâu của nhân loại và một lý tưởng cao đẹp mà không biết bao nhiêu triệu con người đã hy sinh chính mạng sống để tranh đấu hoặc để bảo vệ nó. Chính vì vậy, không thể xây dựng một xã hội lý tưởng nếu thiếu vắng công bằng. Tuy nhiên, cũng chẳng ai có thể sống an vui và hạnh phúc trong một xã hội chỉ có công bằng mà thôi. Cuộc sống viên mãn đòi hỏi phải có thêm nhiều giá trị nhân bản và tâm linh khác nữa. Để xây dựng một xã hội nhân bản đó, Giáo huấn Xã hội Công giáo đề nghị phải đặt nền trên công bằng xã hội, nhưng phải đi xa hơn thứ công bằng lạnh lùng đó để vươn tới tình yêu.
1. Khái niệm về công bằng
Công bằng có một nội dung rất phong phú và phức tạp. Đây là một thuật ngữ rất phong phú, đa dạng, đa nghĩa và khá hàm hồ. Không những nó hàm chứa ý nghĩa đạo đức và luân lý, mà còn mang chiều kích chính trị, xã hội, kinh tế. Suốt dọc nhiều thế kỷ, công bằng xã hội đã là một khẩu hiệu thật đắc ý được nhiều người sử dụng trong các cuộc tranh đấu và vận động quần chúng, nhưng vì quá lạm dụng, trong nhiều trường hợp nó đã trở thành một từ rỗng!
a) Đứng trên phương diện lịch sử, Aristote đã đóng góp rất nhiều trong việc hệ thống hoá quan niệm công bằng. Ông phân biệt giữa công bằng như một nhân đức tổng quát với các biến thái khác nhau khi được áp dụng vào những hoàn cảnh và trường hợp cụ thể. Theo ông, “công bằng là một tập quán giúp con người chọn lựa điều chính đáng”. Người công bằng là người có thói quen hành động ngay thẳng và luôn chọn lựa điều công minh, chính trực.
Trong một bản văn khác, Aristote nói rõ hơn: “Công bằng là một nhân đức nhờ đó mỗi người nhận phần của mình và theo sự quy định của luật pháp. Trái lại, bất công là sự kiện ai đó lấy của cải của người khác và không phù hợp với luật lệ”[1].
Áp dụng vào thực tại cuộc sống, Aristote đề cập đến công bằng giao hoán (mức độ tương ứng trong việc trao đổi của cải giữa các cá nhân), công bằng hiệu chỉnh (tương quan quân bình giữa mỗi các sai phạm với hình phạt tương ứng), và công bình phân phối (tương quan quân bình trong việc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành viên cùng một đẳng cấp trong một cộng động hay xã hội). Ba thứ tương quan này liên hệ mật thiết với quan niệm căn bản về bình đẳng: “Cũng như bất công hàm chứa sự bất bình đẳng, thì công bằng bao hàm bình đẳng”.
Theo Aristote, yêu cầu căn bản của công bằng hệ tại việc đối xử giống nhau cho những trường hợp giống nhau và đối xử không giống nhau cho những trường hợp không giống nhau. Ông cho rằng trong mỗi người tiềm ẩn, theo một cách thế nào đó, “cảm thức về điều công bằng và điều bất công”. Tuy nhiên, trong thực tại cuộc sống, để phân biệt đâu là những trường hợp cụ thể giống nhau và đâu là trường hợp khác nhau luôn đòi hỏi phải có một số năng khiếu và kiến thức.
Dưới cái nhìn của Aristote, trách nhiệm đối xử công bằng với nhau có liên hệ trực tiếp đến bản chất xã hội của con người. Thật vậy, hoặc là chúng ta phải đối xử công bằng với nhau, hoặc phải huỷ bỏ đời sống gia đình và xã hội. Nhưng, vì con người là một hữu thể xã hội, do đó không thể sinh tồn và phát triển lành mạnh mà hoàn toàn thiếu vắng gia đình và xã hội. Như vậy, chính xã hội tính của con người đòi hỏi phải tôn trọng nguyên tắc công bằng.
b) Dân luật Rôma bổ sung và chuẩn hoá quan niệm công bằng nói trên. Văn hoá Cicerón định nghĩa công bằng như sau: “Justitia est habitus animi, communi utilitate servata, suam unique tribuens dignitatem”.
Nhưng luật gia Ulpino mới chính là tác giả của một định nghĩa thời danh về công bằng: “Justitia est constans et perpetua voluntas jus suum cuique tribuendi”[2] (công bằng là ý muốn bền vững và kiên định nhằm trả lại cho mọi người quyền lợi của họ). Định nghĩa này nhanh chóng được các tác giả đương thời chấp nhận và trong nhiều thế kỷ đã trở thành một thứ định nghĩa mẫu. Các tác giả thời Trung Cổ hầu như lặp lại y nguyên nội dung của định nghĩa cổ điển này.
c) Tiếp thu một cách sáng tạo tư tưởng của triết gia Aristote và truyền thống luật Roma[3], Tôma Aquinô đã định nghĩa công bằng như sau: “Justitia est habitus secundum quem aliquis constanti et perpetua voluntate jus suum unicuique tribuit”[4] (Công bằng là một tập quán nhờ đó, bằng một ý chí trường tồn và bền vững, người ta trả lại cho mỗi người quyền lợi của họ). Định nghĩa này tương đồng với định nghĩa của Ulpino và đã trở thành cổ điển trong lịch sử thần học luân lý. Từ đó đến nay người ta đã đưa ra rất nhiều giải thích, phù hợp với điều kiện lịch sử, xã hội, chính trị, văn hoá…
Theo Thánh Tôma, công bằng là một nhân đức luân lý. Thật vậy, nếu bản chất của nhân đức nằm ở chỗ làm cho các hành vi nhân linh và ngay cả con người trở nên tốt, thì công bằng cũng vậy. Bởi vì công bằng điều chỉnh các hành động nhân loại và làm cho chúng trở nên tốt. Đó chính là lý do khiến Cicerón tuyên bố: Đặc biệt nhờ công bằng mà con người được gọi là người tốt[5].
Hơn thế nữa, đối với Tôma, công bằng là một nhân đức tổng quát có trách vụ điều hành mối tương quan của chúng ta đối với người khác theo hai chiều kích: người khác được nhìn như “một cá nhân” và người khác xét dưới khía cạnh xã hội như “đại diện của cộng đồng” để phục vụ tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. “Thật vậy, hiển nhiên là tất cả những ai sống trong một xã hội thì có tương quan với xã hội giống như các thành phần đối với một toàn thể. Như vậy, thành phần, xét như là thành phần, thì thuộc về toàn thể. Từ đó đưa đến kết luận là bất cứ phúc lợi nào của thành phần phải lệ thuộc phúc lợi của toàn thể. Chính vì vậy, thiện hảo của mỗi nhân đức, những nhân đức hướng dẫn con người đối với chính mình hay những nhân đức hướng dẫn con người trong tương quan đối với người khác, đều phải có khả năng hướng về công ích. Chính công bằng ra lệnh cho chúng ta hướng về công ích. Nhìn từ khía cạnh này, hành vi của tất cả các nhân đức có thể phụ thuộc nhân đức công bằng, bởi vì công bằng chỉ đạo con người hướng về công ích. Xét theo ý nghĩa này, công bằng là một nhân đức tổng quát”.
Thánh Tôma cũng gọi công bằng là “nhân đức pháp định” theo nghĩa là chính luật pháp đòi buộc chúng ta phải phục vụ công ích. Nhờ công bằng con người sống phù hợp với luật lệ để hướng dẫn hành động của tất cả các nhân đức hướng về công thiện công ích[6].
2. Công bằng dưới cái nhìn hiện đại
Trong lĩnh vực học thuật, các tác giả đương đại vẫn chấp nhận các định nghĩa cổ điển ở trên. Nhưng một số người nghĩ rằng định nghĩa cổ điển quá rộng, vì nó bao gồm quá nhiều chiều kích và mối tương quan: Chiều kích tâm linh, nhân bản, đạo đức, pháp lý, chính trị, kinh tế, xã hội… Theo họ, cần thu hẹp trương độ của định nghĩa trên, bởi vì bổn phận phải biết ơn, thân thiện và kính trọng đối với nhau, không phải là những gì người ta có thể đòi hỏi theo luật. Do đó, họ định nghĩa công bằng như trách nhiệm phải “thực hiện những gì mà tha nhân có quyền hưởng theo nghĩa chặt”[7].
Các tác giả thuộc khuynh hướng nhân bản và nhân quyền, trái lại, đề nghị nên duy trì viễn tượng mở của định nghĩa cổ điển, nhưng cần hiện đại hóa và giải thích chúng theo điều kiện và tâm thức của xã hội hôm nay. Trong viễn tượng đó, công bằng không dừng lại ở phạm vi pháp lý, mà cần nối kết với các chiều kích xã hội, liên đới, nhân bản, tâm linh… Theo họ, “công bằng bó buộc trả lại cho mỗi người những gì là của họ hoặc những gì họ có quyền hưởng”[8]. Chúng ta phải trả lại cho mỗi người không những những gì là của riêng họ, mà còn tất cả những gì họ có quyền có, theo nguyên tắc bình đẳng căn bản về nhân phẩm và nhân quyền. Từ đó, một số người đề nghị nên giải thích định nghĩa cổ điển như sau:
* Justitia (công bằng) nên có tương quan chặt chẽ với liên đới và bác ái: công bằng không chỉ nhằm trả lại cho mỗi người những gì họ có quyền đòi theo luật lệ hiện hành, mà còn nhắm tới những gì đáng lý ra họ phải được hưởng, mặc dù điều kiện kinh tế xã hội chưa cho phép hay luật pháp hiện hành chưa xác định hoặc chưa nhìn nhận.
* Voluntas (ý muốn) nói đây không chỉ là ý muốn cá nhân, mà còn là ý muốn tập thể và quyết định của cộng đồng. Vì vậy nó cần được pháp lý và cơ chế hoá.
* Voluntas constante et perpetua: Một ý muốn kiên định và bền vững không thể chỉ nhất thời, bột phát hay theo cảm tính, mà cần được cơ cấu hoá, thể hiện thành văn bản, thành khế ước, hiến chương, luật lệ…
* Jus suum: Không chỉ đề cập đến quyền tư hữu, mà còn là nhân quyền, quyền lợi chính đáng của mỗi người dân, quyền làm người, quyền có việc làm, quyền sống, quyền chọn lựa nơi cư trú, quyền chọn lựa niềm tin tôn giáo, quyền được yêu thương, được tôn trọng…
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đúc kết quan niệm công bằng theo Kitô giáo qua những dòng độc đáo sau đây: “Công bằng là nhân đức luân lý thể hiện qua quyết tâm trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là “nhân đức thờ phượng”. Đối với con người, công bằng là tôn trọng quyền lợi của mỗi người và sống hài hoà bằng cách đối xử công minh đối với mọi người và thực thi công ích. Theo Kinh Thánh, người công chính sống ngay thẳng trong tư tưởng và cư xử chính trực với tha nhân”[9].
Trong viễn tượng đó, với tư cách một nhân đức, công bằng đặt nền tảng trên công bằng giao hoán để “quy định những trao đổi giữa các cá nhân và giữa các tổ chức trong việc tôn trọng đúng đắn quyền lợi của nhau. Công bằng giao hoán bó buộc một cách triệt để, vì nó đòi hỏi bảo vệ quyền tư hữu, trả nợ và chu toàn những nghĩa vụ đã tự do ký kết. Thiếu vắng công bằng giao hoán thì không thể có một hình thức công bằng nào khác”[10].
Nhưng quan niệm công bằng theo Giáo huấn Xã hội Công giáo không dừng lại nơi việc thi hành những gì luật đòi buộc theo công bằng giao hoán, mà còn tương quan với công bằng phân phối. Đây chính là chiều kích xã hội của công bằng, theo đó mỗi người sẽ nhận được phần của mình với tư cách là thành phần của một cộng đoàn và tuỳ theo mức độ họ đã đóng góp cho cộng đoàn[11].
Thánh Tôma xây dựng quan niệm công bình của mình dựa trên ba nguyên tắc nền tảng sau đây: nhân phẩm và tính bình đẳng nền tảng giữa người với người, cũng như nguyên tắc vận mệnh phổ quát của tài sản. Nhưng đồng thời cũng không ai có thể phủ nhận sự “bất bình đẳng tự nhiên” về tài năng và đóng góp của mỗi người cho xã hội. Tất cả những cố gắng của thánh Tôma là nhằm kết hợp tối đa ba nguyên tắc vừa độc đáo vừa khác biệt và mâu thuẫn nhau. Đây là một quan niệm thích hợp để vừa bảo toàn nguyên tắc bình đẳng nền tảng của Kitô giáo, vừa phù hợp với tính năng động và sáng tạo của nền kinh tế tri thức hiện nay.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo diễn tả ý tưởng căn bản đó một cách ngắn gọn: “Công bằng phân phối quy định việc cộng đồng phải thực hiện đối với mỗi công dân tương xứng với những đóng góp và những nhu cầu của họ”[12]. Nói cách khác, nhà cầm quyền “cần khôn ngoan thực hiện công bằng phân phối, bằng cách để ý đến nhu cầu và phần đóng góp của mỗi người để duy trì sự hoà thuận. Họ cần lưu tâm đừng để cho các luật lệ và các quy định được ban hành tạo ra nguy cơ đối nghịch lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể”[13].
3. Vươn tới liên đới và tình yêu
Trên nguyên tắc, các đòi hỏi của công bằng bó buộc mọi người phải thi hành. Một xã hội phát triển và ổn định phải có luật lệ rõ ràng, phải tôn trọng nguyên tắc công bằng và phải có những biện pháp hữu hiệu chống lại mọi hình thức bất công. Nhưng với tư cách nhân đức, công bằng đích thực không dừng lại nơi việc thi hành những gì luật đòi buộc, mà còn đi xa hơn, vươn tới chiều kích liên đới và yêu thương. Thật vậy, công bằng là một yếu tố căn bản của cơ cấu một xã hội pháp định, nhưng chẳng ai có thể chỉ sống và phát triển viên mãn với công bằng mà thôi. khi quan tâm đến các yêu sách đúng đắn và nhu cầu căn bản của người khác, chúng ta sẽ cố gắng không những trả lại cho họ quyền lợi của họ, mà còn cống hiến cho họ những gì thiết yếu để sinh tồn và phát triển con người toàn diện. Chính ở nơi đây, chúng ta gặp thấy đề nghị độc đáo của Giáo huấn xã hội Công giáo.
a) Thông điệp Tân Sự (Rerum novarum) được ban hành vào cuối thế kỷ XXI, ở giai đoạn mà bất công và bóc lột lan tràn tại Tây phương. Lần đầu tiên trong lịch sử, một văn kiện chính thức của Giáo Hội đối diện với thảm trạng bóc lột này và chính thức đề nghị giải quyết vấn đề công bằng xã hội.
Giáo hoàng đã vận dụng quan niệm công bằng của Thánh Tôma Aquinô và các tác giả cổ đại để phê phán tình trạng bất công xã hội đương thời và đưa ra một số giải pháp công bằng và nhân ái hơn. Thông điệp lưu ý toàn thể thế giới về thảm cảnh của giai cấp công nhân, đặc biệt của các trẻ em. Theo thông điệp, “đối diện với cảnh khốn cùng và nghèo đói đang đè nặng một cách quá ư bất công trên đại đa số giai cấp lao động, phải cấp tốc tìm ra những phương thức giải quyết cần thiết”[14]. Giáo hoàng Lêo XIII nghĩ rằng đây phải là một giải pháp đồng bộ, có sự tham gia của Giáo hội, Nhà nước, chủ nhân, công nhân và các hiệp hội độc lập. Giáo hội có thẩm quyền đạo đức để cổ vũ công bằng xã hội, Nhà nước có trách vụ bảo vệ người lao động qua những đạo luật và bênh vực quyền tự trị của các nghiệp đoàn, thêm vào đó các hiệp hội do chủ và thợ thành lập là dụng cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của tất cả các thành phần, đặc biệt là quyền lợi của những người cô thân cô thế.
Bắt nguồn nơi tư tưởng xã hội của Kitô giáo, trong mấy thế kỷ vừa qua, “nhiều người đức độ đã thường xuyên tổ chức hội nghị để trao đổi quan điểm, củng cố sức mạnh và quyết định chương trình hành động. Một số người khác lại nỗ lực thành lập các nghiệp đoàn theo từng ngành nghề và vận động để qui tụ thợ thuyền. Họ đóng góp ý kiến cũng như tài chánh cho các công nhân nhằm tạo việc làm xứng đáng và hiệu quả. Về phần mình, các giám mục khích lệ những nỗ lực này và đứng ra bảo trợ: nhờ uy tín và sự hỗ trợ của các vị, rất nhiều linh mục dòng và triều tận tâm đảm nhận vai trò linh hướng trong các nghiệp đoàn. Cuối cùng, cũng không thiếu những người Công giáo có tài sản đã tự nguyện đồng hành với giới công nhân, không ngần ngại bỏ tiền bạc để thành lập và phổ biến các hội đoàn, giúp giới thợ thuyền sống thoải mái hơn, cũng như bảo đảm cho họ lúc về hưu có cuộc sống khả quan hơn (…). Ước gì Nhà nước luôn bảo vệ các tổ chức hợp pháp này và không nhúng tay vào việc quản trị nội bộ, cũng như không động đến động lực từng mang lại sức sống cho chúng”[15].
Bốn mươi năm sau, trong thông điệp Quadragesimo Anno, Đức Piô XI cho biết, nhờ thông điệp “Tân sự”, một “Bộ môn Xã hội học Công giáo” đã hình thành. Thông điệp “Bốn mươi năm” tiếp tục đối diện với những vấn đề gai góc của thời đại: tình trạng tập trung kinh tế, nạn thất nghiệp, sự can thiệp của Nhà nước, vai trò của nghiệp đoàn, chiều kích cá nhân và xã hội của quyền tư hữu, những ảo tưởng nơi chủ trương đấu tranh giai cấp và những lạm dụng của chế độ chuyên chế.
Đối với vấn đề tư hữu, sau khi lặp lại nguyên tắc cổ điển của Giáo Hội, Đức Piô XI tuyên bố: Giáo Hội “không cấm những người sản xuất ra của cải được gia tăng tài sản của mình một cách hợp pháp; trái lại, thật là hợp lý khi người phục vụ và làm giàu cho cộng đồng cũng trở nên giàu hơn tuỳ theo vị trí của mình, miễn là việc thủ đắc tài sản này tôn trọng luật Thiên Chúa và không phương hại đến quyền lợi của người khác, và khi sử dụng của cải, họ tuân theo đức tin và lý trí ngay thẳng. Nếu mọi người luôn tuân giữ các nguyên tắc trên, thì sẽ sớm tái lập sự quân bình và công bằng về phân phối trong sản xuất và chiếm hữu của cải, cũng như trong việc sử dụng của cải, mà hiện tại đang rất vô trật tự”[16].
Đối diện với thực trạng kinh tế – xã hội của thế giới ở thập niên 60’ của thế kỷ XX, Đức Gioan XXIII nêu lên những khía cạnh mới của vấn đề công bằng: “Tiến trình lịch sử của thời hiện đại cho thấy, mỗi ngày một rõ nét hơn, nguyên tắc công bằng và công lý không những phải điều chỉnh mối tương quan giữa công nhân và chủ nhân, mà còn điều phối các lãnh vực kinh tế khác nhau, các vùng khác biệt về nguồn lợi trong từng quốc gia và, trên mức độ toàn cầu, giữa các quốc gia có mức độ khác biệt về phát triển kinh tế – xã hội”[17].
Hiến chế Mục vụ về “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” nhận diện hiện trạng chênh lệch sâu thẳm về kinh tế giữa các nước trên thế giới và giữa các vùng khác nhau trong cùng một nước. Công đồng đề nghị phải cấp tốc tìm cách loại trừ thảm cảnh chênh lệch khổng lồ về kinh tế – xã hội: “Để thoả mãn những đòi hỏi của công bằng và công lý mà vẫn phải tôn trọng quyền lợi cá nhân và đặc tính của mỗi dân tộc, cần phải nỗ lực bao nhiêu có thể để sớm chấm dứt những chênh lệch kinh tế khủng khiếp hiện nay (…). Công lý và công bằng đều đòi hỏi phải điều chỉnh tính năng động, vốn cần thiết cho một nền kinh tế đang phát triển, thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Đối với những công nhân đến từ một quốc gia hay từ một miền khác, những người góp phần vào việc phát triển kinh tế một nước hay một miền, thì phải cố gắng tránh mọi phân biệt đối xử về lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ là những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng hòa nhập đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất đang đón tiếp họ…”[18].
Thượng hội đồng các Giám mục năm 1971 đã chọn “Công bằng trên thế giới” làm đề tài nghị sự. Các Nghị phụ chính thức tuyên bố: “Giáo Hội đã lãnh nhận từ Đức Kitô sứ vụ rao giảng Tin Mừng, trong đó bao hàm lời mời gọi con người hoán cải từ tình trạng tội lỗi để đạt tới tình yêu Thiên Chúa, tình huynh đệ phổ quát và viec thực hiện công bằng trên thế giới. Đó là lý do làm cho Giáo hội có quyền, và hơn thế nữa, có nghĩa vụ cổ võ công bằng trong lãnh vực xã hội, ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế, cũng như tố cáo tình trạng bất công, khi quyền lợi căn bản của con người đòi hỏi. Giáo Hội không phải là người trách nhiệm duy nhất về công bằng trên thế giới. Tuy nhiên, Giáo Hội có trách nhiệm riêng và đặc biệt (…), trình bày với nhân loại những yêu sách về tình yêu và về công lý được chứa đựng trong sứ điệp Tin Mừng”[19].
Giữa lúc kinh tế thị trường đang trở thành mô hình kinh tế hầu như “độc tôn” trên thế giới, Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại một nguyên tắc cổ điển của Giáo huấn Xã hội Công giáo là phải tôn trọng quyền lợi của người công nhân không phải chỉ theo hợp đồng lao động, mà còn theo tư cách là một nhân vị. “Đó là quyền có “lương công bằng”, mà không thể phó mặc cho “tự do thoả thuận giữa các bên, đến độ đối với chủ nhân sau khi đã trả lương theo thoả thuận thì dường như đã chu toàn trách nhiệm và không còn phải làm gì thêm nữa”[20].
Giáo hoàng Bênêdictô XVI tiếp tục suy nghĩ về công bằng xã hội trong bối cảnh phức tạp của tân tự do kinh tế. Ngài và nhắc lại rằng “Giáo huấn Xã hội đã luôn chủ trương rằng công bằng liên hệ đến tất cả các giai đoạn của sinh hoạt kinh tế, bởi vì trong mọi hoàn cảnh cần đếm kể đến con người và những quyền lợi của họ”. Theo ngài, “có một thời, hầu như người ta có thể uỷ thác cho kinh tế việc sản xuất tài sản, rồi sau đó trao cho chính trị trách vụ phân phối. Hôm nay, điều này xem ra khó thực hiện, bởi vì hoạt động kinh tế không bị giới hạn trong ranh giới địa lý, trong khi đó thẩm quyền chính trị tiếp tục bị giới hạn trong ranh giới địa phương. Do đó, các tiêu chuẩn công bằng phải được tôn trọng ngay từ đầu và suốt dọc tiến trình kinh tế, chứ không phải chỉ sau đó hay song song”.
Đức Giáo hoàng không phủ nhận vai trò của kinh tế thị trường. Theo ngài, “chắc chắn đời sống kinh tế cần hợp đồng để quy chế hóa mối tương quan trao đổi dựa trên giá trị tương đồng. Nhưng đời sống kinh tế cũng cần đến luật lệ công bằng và hình thức tái phân phối được chính trị hướng dẫn, cũng như những công tác mang tinh thần quà tặng. Kinh tế toàn cầu hoá xem ra đề cao cái logic trao đổi theo hợp đồng, nhưng trực tiếp hay gián tiếp cũng cho thấy nó cần đến hai hình thức khác, cái logic chính trị và logic quà tặng”[21].
b) Công bằng là điều kiện sơ khởi và cần thiết của một xã hội nhân bản. Không thể xây dựng một xã hội phát triển, an hòa và nhân bản, nếu không tôn trọng các đòi hỏi căn bản của công bằng. Việc thực thi công bằng giữ một vai trò quan trọng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng ở thời đại chúng ta. Không thể hiện diện tình yêu đích thực nếu thiếu vắng công bằng và hành động tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền. Tuy nhiên, “chỉ một mình công bằng mà thôi thì chưa đủ. Thật vậy, công bằng có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở rộng cửa cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”[22]. Từ quan điểm của Kitô giáo, giữa công bằng và bác ái luôn hiện diện một tương quan rất biện chứng. Nếu không thể yêu thương đích thực mà thiếu vắng công bằng, thì khi vắng bóng tình yêu, công bằng sẽ là một công bằng chết, lạnh lùng, thiếu sinh khí và thiếu con tim.
Thượng Hội đồng các Giám mục về “Công bằng trên thế giới” xác quyết: “Không thể tách biệt tình yêu Kitô giáo đối với tha nhân và đối với công bằng. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công bằng, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân. Đồng thời công bằng chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và em của Đức Kitô, người Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa và yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa”.
Chính vì vậy, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội tận lực tranh đấu cho công bằng, nhưng sẽ không bao giờ dừng lại ở công bằng. Trái lại Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta can đảm đi xa hơn công bằng để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu, lòng từ bi, nhân ái… Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan sinh tử này như sau:
“Lòng thương xót đích thực theo một nghĩa nào đó, là nguồn cảm hứng sâu xa nhất làm phát sinh công bằng. Nếu công bằng tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót) mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên, sự bình đẳng do công bằng mang lại thường giới hạn vào lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại làm cho con người gặp gỡ nhau trong cái giá trị là chính con người, với phẩm giá riêng của con người”[23].
Trong cộng đồng nhân loại, công bằng là nền tảng và yếu tố cơ bản, nhưng công bằng mà thôi không đủ để xây dựng một xã hội tiến bộ và mang khuôn mặt nhân bản. Vắng bóng công bình, bác ái dễ trở thành thuốc phiện ru ngủ và mị dân. Nhưng thiếu vắng tình thương và lòng nhân hậu, một xã hội có thề rất công bằng, nhưng sẽ lạnh lùng, chai cứng. Chưa thể trở thành “vùng đất nhân sinh”.
Chính vì vậy, mặc dù bác ái giả thiết công bằng, nhưng luôn đi xa hơn công bằng. Cả hai không đồng nhất với nhau, mà cũng chẳng đối chọi hay khai trừ nhau, trái lại luôn bổ túc và phong phú hóa cho nhau: yêu thương đích thực giả thiết công bằng, nhưng đi xa hơn công bằng. Xét theo phương diện đòi hỏi tối thiểu và sơ khởi của đức ái, các nghĩa vụ của công bằng luôn luôn có tính khẩn cấp hơn là những nghĩa vụ do đức ái nêu lên. Do đó, chúng ta phải thực hiện các nghĩa vụ của công bằng trước khi thi hành công tác bác ái. Tuy nhiên, các Kitô hữu không bao giờ được dừng lại ở đó, mà luôn được mời gọi đi xa hơn và nhắm tới một lý tưởng cao hơn, như Đức Kitô đã trình bày trong Bài giảng Trên Núi.
+ Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP
[1] Aristote, Retorica, I,9,1366b, 136b, 9s.
[2] Digest. 1.1, tít. 1,10.
[3] x. M. Aubert, Le droit romain dans les oeuvres de S. Thomas, Paris,1955.
[4] S.T., 2-2, q. 58, a.1.
[5] Ibidem, a.3.
[6] Ibidem, a. 5.
[7] Karl Hoermann, An Introduction to Moral Theology, London, Burns & Oates, 1961, 244.
[8] Otto Bird, The Idea of Justice, New York – London, F. A. Praeger, 1967, 164.
[9] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1807.
[10] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2411.
[11] Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Trong công bằng phân phối, một người sẽ được phân phối nhiều hơn nếu vị thế của người đó trong cộng đoàn ưu việt hơn (…). Trong công bằng phân phối, điểm trung dung đạo đức không xác định bởi thứ quân bình “vật đối vật”, mà theo một tỉ lệ của sự vật đối với con người: nếu một người trổi vượt hơn người khác thì sẽ nhận được nhiều hơn. Loại trung dung này được thiết lập theo tỉ lệ hình học, theo đó sự bình đẳng không là một thứ bình đẳng về lượng, mà là thứ bình đẳng tương xứng. Do đó, chúng ta nói rằng 6 đối với 4 cũng tương tự như 3 đối với 2 (…). Sự bình đẳng này không phải là một sự bình đẳng giữa các số lượng so sánh, bởi vì sự sai biệt giữa 6 và 4 là 2, trong khi sự sai biệt giữa 3 và 2 là 1” (Tổng luận Thần học, 2-2, q.61, a.2).
[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2411
[13] Ibidem, số 2236.
[14] Leô XIII, Rerum Novarum, số 3.
[15] Ibidem, số 41.
[16] Piô XI, Quadragesimo Anno, số 136.
[17] Gioan XXIII, Mater et Magistra, số 122.
[18] Vatican II, Gaudium et Spes, số 66.
[19] Thượng Hội đồng Giám mục, 1971, I., số 67.
[20] Gioan Phaolô II, Centesimus annus, số 8.
[21] Bênêđictô XVI, Caritas in veritate, số 37.
[22] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 2004, 10.
[23] Gioan Phaolô II, Thiên Chúa Giàu lòng thương xót, số 14.