Tóm tắt tài liệu
“Việc giải thích
Kinh thánh trong Giáo hội”
THÀNH CÁC NGUYÊN TẮC
Nguyên tắc 1: Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người.
Kinh thánh là Lời Thiên Chúa được diễn tả trong ngôn ngữ loài người (I.A.a). Tư tưởng và lời lẽ vừa thuộc về Thiên Chúa vừa thuộc về con người theo cách là toàn bộ Kinh thánh phát xuất tức khắc từ Thiên Chúa và từ tác giả nhân loại được linh hứng (III.D.2.c).
Chỉ có bản văn chính lục ở giai đoạn cuối cùng mới diễn tả Lời Thiên Chúa (I.A.4.f).
Bởi vì là Lời Thiên Chúa, Kinh thánh thực hiện một vai trò đặt nền móng, nâng đỡ, và phê bình trong Giáo hội, cho thần học, cho công việc giảng dạy và cho huấn giáo. Kinh thánh là một nguồn mạch cho đời sống đức tin, đức cậy và đức mến của Dân Thiên Chúa và là một ánh sáng chiếu soi toàn thể nhân loại (Dẫn nhập B.b).
Nguyên tắc 2: Khoa chú giải công giáo và “khoa học”
Các bản văn Kinh thánh là công trình của các tác giả nhân loại. Các ngài đã dùng khả năng riêng và những phương tiện mà thời đại và bối cảnh xã hội các ngài đặt ở tầm tay các ngài mà diễn tả. Cách chú giải công giáo tự do sử dụng các phương pháp và các tiếp cận khoa học cho phép nắm bắt tốt hơn ý nghĩa của các bản văn trong bối cảnh văn chương, văn hóa-xã hội, tôn giáo và lịch sử của chúng (III.a).
Cách chú giải công giáo phải được vận dụng sao cho có tính phê bình và khách quan tối đa.
Khoa chú giải công giáo góp phần tích cực vào việc phát triển các phương pháp mới và vào sự tiến bộ của công việc nghiên cứu (III.a). Trong công việc này, các học giả công giáo cọng tác với các học giả không phải là công giáo (III.C.a).
Nguyên tắc 3: Chú giải công giáo và lịch sử
Khoa chú giải công giáo phải liên hệ với lịch sử do đặc tính lịch sử của mạc khải Kinh thánh. Mặc dù Kinh thánh không phải là một sách lịch sử theo nghĩa hiện đại và mặc dù Kinh thánh hàm chứa các văn thể là thơ ca, biểu tượng và tưởng tượng, Kinh thánh làm chứng cho một thực tại lịch sử, nghĩa là cho các hành vi cứu độ của Thiên Chúa trong quá khứ mà có những liên hệ với hiện tại.
Muốn giải thích một bản văn Kinh thánh, phải dựa vào ý nghĩa được diễn tả bởi các tác giả nhân loại (II.B.1.g).
Công việc nghiên cứu lịch sử đặt các bản văn Kinh thánh trong bối cảnh cổ xưa của chúng, nhờ đó giúp soi sáng ý nghĩa của sứ điệp của tác giả Kinh thánh cho các độc giả ở tại nguồn và cho chúng ta.
Mặc dù khoa chú giải công giáo dùng một phương pháp lịch sử, nó không duy lịch sử (historiciste) hoặc duy thực nghiệm (positiviste)[1], do chỉ chấp nhận là chân lý những gì có thể chứng minh bằng phân tích lịch sử giả thiết là khách quan.
Nguyên tắc 4: Sử dụng phân tích ngữ văn học[2] và văn chương
Bởi vì Kinh thánh là Lời Thiên Chúa đã được diễn tả trong dạng chữ viết, cần phải có việc phân tích về ngữ văn học (philologie) và văn chương, để hiểu được tất cả các phương tiện mà các tác giả Kinh thánh đã dùng để thông tri sứ điệp của các ngài.
Việc phân tích ngữ văn học và văn chương góp phần xác định những cách đọc xác thực, hiểu từ vựng và cú pháp (syntaxe)[3], phân biệt ra các đơn vị trong bản văn, xác định các văn thể, phân tích các nguồn, và nhận ra được tính mạch lạc bên trong bản văn (I.A.3.c). Thường thường hai công việc phân tích này làm sáng tỏ những gì tác giả nhân loại nhắm truyền đạt.
Việc phân tích văn chương nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc đọc Kinh thánh theo kiểu tổng sử (I.A.3.c; Kết luận c-d), của việc đọc các bản văn trong bối cảnh văn chương của chúng, và của việc nhận ra được nhiều ý nghĩa trong các bản văn viết (II.B.d).
Nguyên tắc 5: Phần đóng góp của khoa giải thích theo quan điểm triết học
Bởi vì giải thích Kinh thánh bao hàm một hành vi hiểu biết của con người giống như việc hiểu biết bất cứ bản văn viết cổ nào, việc giải thích công giáo nên đón nhận những đóng góp của các lý thuyết giải thích của triết học.
Không thể hiểu bất cứ bản văn viết nào nếu không có “tiền thức”, nghĩa là những tiền giả định để hướng dẫn việc tìm hiểu (II.A.1.a). Hành vi hiểu biết hàm ý có một biện chứng giữa tiền thức của người giải thích và cái nhìn của bản văn (II.A.1.c). Dù sao, tiền thức này cần phải sẵn sàng đón nhận các sửa chữa trong khi đối thoại với thực tại của bản văn (II.A.1.a).
Bởi vì việc giải thích Kinh thánh bao hàm tính chủ quan của người giải thích, chỉ có thể hiểu Kinh thánh nếu có một liên hệ sống căn bản giữa người giải thích và đối tượng của ông (II.A.2.c).
Có một số lý thuyết giải thích không thích hợp do những tiền giả định không phù hợp với sứ điệp của Kinh thánh (II.A.2.d).
Khoa giải thích theo quan điểm triết học điều chỉnh một vài khuynh hướng của khoa phê bình-lịch sử vì cho thấy chủ trương thực nghiệm lịch sử là không phù hợp (II.A.2.c), vai trò của độc giả trong việc giải thích, có thể có nhiều nghĩa vượt ra bên ngoài toàn bộ ý nghĩa lịch sử của một bản văn, và các bản văn mở ra với nhiều nghĩa (II.B.c; Kết luận d).
Bởi vì trong Kinh thánh, các ki-tô hữu tìm ý nghĩa của các bản văn cổ cho hiện tại, công việc phê bình văn chương và lịch sử phải được tháp vào trong một mẫu giải thích vượt lên trên khoảng cách về thời gian giữa nguồn gốc của bản văn và thời hiện đại của chúng ta (II.A.2.a). Chính Kinh thánh và lịch sử của việc giải thích Kinh thánh, cả hai cho thấy một cái khung (pattern) cho việc đọc lại các bản văn dưới ánh sáng của những hoàn cảnh mới (II.A.2.b).
Nguyên tắc 6: Một việc giải thích trong đức tin.
Tri thức Kinh thánh không được dừng lại ở các từ ngữ, các khái niệm và biến cố. Tri thức này phải tìm cách đi tới thực tại mà ngôn ngữ muốn nói tới, một thực tại siêu việt, thông giao với Thiên Chúa (II.A.1.d).
Chỉ lý luận mà thôi thì không thể hiểu trọn vẹn các biến cố và sứ điệp được kể lại trong Kinh thánh. Để thực sự hiểu biết Kinh thánh, người ta phải đón nhận ý nghĩa được cung cấp nơi các biến cố, và trên hết mọi sự, nơi bản thân Đức Giêsu Kitô (II.A.2.d). Bởi vì là Lời Thiên Chúa, Kinh thánh phải được đặt dưới ánh sáng của đức tin để có thể được hiểu đúng đắn. Vậy, chú giải là một khoa thần học.
Cần có ánh sáng của Chúa Thánh Thần để giải thích đúng đắn Kinh thánh. Vì một người lớn lên trong sự sống của Thần Khí, khả năng hiểu biết của họ về các thực tại mà Kinh thánh nói đến cũng gia tăng (II.A.2.f).
Nguyên tắc 7: Vai trò của cộng đoàn đức tin.
Cộng đoàn đức tin, Dân Thiên Chúa, cung cấp bối cảnh đúng là thích hợp cho việc giải thích Kinh thánh (I.C.1.g). Kinh thánh thành hình bên trong các truyền thống đức tin của Ít-ra-en và Giáo hội sơ khai và cũng góp phần làm phát triển các truyền thống này (III.A.3.f).
Kinh thánh thuộc về toàn thể Giáo hội (III.B.3.i) và tất cả các thành viên của Giáo hội đều có một vai trò trong việc giải thích Kinh thánh (III.B.3.b). Thể theo chính Kinh thánh, những con người thân phận hèn kém lại là những thính giả ưu tuyển của Lời Thiên Chúa (III.B.3.f).
Hàng giáo sĩ, các huấn giáo viên, các nhà chú giải và những người khác có vai trò đặc biệt khác nhau trong việc giải thích Kinh thánh (III.B.3.i). Quyền bính Giáo hội có trách nhiệm trông coi sao cho việc giải thích được trung thành với Tin Mừng và với Truyền Thống vĩ đại, và Huấn Quyền đóng một vai trò uy quyền tối hậu, nếu có trường hợp cần tới (I.C.a; III.B.3.i).
Nguyên tắc 8: Giải thích dưới ánh sáng của Truyền thống Kinh thánh, của tính Duy nhất của Kinh thánh và của Thư quy.
Khoa chú giải công giáo tìm cách giải thích Kinh thánh trong sự tiếp nối với cái khung năng động giải thích mà người ta tìm thấy ngay bên trong Kinh thánh. Trong Kinh thánh, các tác phẩm sau thường lệ thuộc những tác phẩm trước khi các tác giả đọc lại những gì đã được viết ra trước dưới ánh sáng của những vấn đề và những hoàn cảnh mới (III.A.1.a). Khoa chú giải Kinh thánh tìm cách vừa trung thành với cách hiểu trong đức tin được diễn tả trong Kinh thánh vừa duy trì việc đối thoại với thế hệ hôm nay.
Khoa chú giải công giáo nhìn nhận tính duy nhất cốt yếu của Kinh thánh (III.A.1.a), thâu tóm nhiều viễn tượng khác biệt nhau (III.A.2.g), nhưng trình bày mọt toàn bộ những chứng từ về một Truyền Thống vĩ đại (I.C.a; III.A.a).
Khoa chú giải công giáo giải thích các bản văn riêng lẻ trong ánh sáng của toàn thể Thư quy của Kinh thánh (I.C.1.b; III.D.4.b).
Nguyên tắc 9: Giải thích Cựu Ước dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Vượt Qua.
Giáo hội coi Cựu Ước như Kinh thánh (được linh hứng), trung thành truyền đạt mạc khải của Thiên Chúa (III.A.2.a; III.B.1.b).
Tân Ước giải thích Cựu Ước dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Vượt Qua (I.C.1.i). Cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu hoàn tất Cựu Ước (III.A.2.a). Việc Đức Giêsu cũng như việc các tông đồ giải thích Cựu Ước được diễn tả trong Tân Ước dưới sự soi sáng của Thánh Thần là có uy tín, cho dù một vài phương thức giải thích được các tác giả Tân Ước sử dụng phản ánh những đường lối suy tư riêng của một thời đại nào đó (III.A.2.f).
Các ki-tô hữu không giới hạn ý nghĩa của Cựu Ước vào những nẻo đường trong đó Cựu Ước chuẩn bị cho Đức Kitô ngự đến. Đúng hơn Giáo hội đánh giá cao lối giải thích theo Thư quy của Cựu Ước trước lễ Vượt qua Ki-tô giáo như một giai đoạn trong Lịch sử cứu độ (I.C.1.i). Các ki-tô hữu tiếp tục rút ra được sự nâng đỡ từ sứ điệp linh hứng của Cựu Ước (III.A.2.e).
Nguyên tắc 10: Giải thích dưới ánh sáng của Truyền thống sống động của Giáo hội.
Khoa chú giải công giáo đặt mình một cách ý thức vào trong dòng Truyền Thống sống động của Giáo hội (III.b) và tìm cách trung thành với mạc khải đã được Truyền Thống vĩ đại truyền đạt, và chính Kinh thánh đã làm chứng (Kết luận e).
Bên trong Truyền Thống sống động này, các Giáo Phụ có một vai trò nền tảng, vì các ngài đã rút từ toàn thể Sách Thánh những đường hướng căn bản giúp hình thành truyền thống đạo lý của Giáo hội, và đã cung cấp một giáo huấn thần học phong phú để dạy dỗ và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng cho các tín hữu (III.B.2.b). Tuy nhiên, cách chú giải công giáo không bị ràng buộc bởi các phương pháp chú giải của các Giáo Phụ (II.B.2.h; III.B.2.k).
Nguyên tắc 11: Mục tiêu của việc giải thích: Giải thích sứ điệp tôn giáo của Kinh thánh.
Mục tiêu ưu tiên của lối chú giải công giáo là giải thích sứ điệp tôn giáo của Kinh thánh, nghĩa là ý nghĩa của nó như là lời mà Thiên Chúa tiếp tục ngỏ với Giáo hội và toàn thể thế giới (IV.a; III.C.1.b). Mục tiêu tối hậu của khoa chú giải công giáo là nuôi dưỡng và xây dựng thân thể Đức Kitô với Lời Thiên Chúa.
Nguyên tắc 12: Nghĩa chữ.
Nghĩa chữ của Kinh thánh là nghĩa đã được các tác giả nhân loại được linh hứng diễn tả ra trực tiếp. Bởi vì là hoa trái của ơn linh hứng, nghĩa này cũng được Thiên Chúa, là tác giả chính, nhắm tới. Người ta đi tới nghĩa này nhờ phân tích kỹ lưỡng bản văn bên trong bối cảnh văn chương và lịch sử của nó (II.B.1.c).
Các nghĩa chữ của nhiều bản văn có một khía cạnh năng động khiến ta có thể đọc lại chúng sau này trong những hoàn cảnh mới (II.B.1.e).
Nguyên tắc 13: Nghĩa thiêng liêng, Nghĩa tiên trưng
Nghĩa thiêng liêng của Kinh thánh là ý nghĩa được các bản văn thánh diễn tả ra, khi đọc chúng dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh mầu nhiệm Vượt Qua và đời sống mới tuôn trào ra từ đó (II.B.2.b).
Nghĩa thiêng liêng luôn luôn được đặt trên nền tảng là nghĩa chữ. Cần phải có một tương quan liên tục và phù hợp giữa nghĩa chữ và nghĩa thiêng liêng, để cho nghĩa chữ của một bản văn Cựu Ước được hoàn tất ở một cấp độ cao hơn trong Tân Ước (II.B.2.e).
Tiên trưng là một phương diện của nghĩa thiêng liêng (II.B.2.i).
Nguyên tắc 14: Nghĩa trọn (Sensus Plenior)
Nghĩa trọn/sung mãn (sensus plenior) là một nghĩa sâu hơn của bản văn, được Thiên Chúa muốn có nhưng không được tác giả nhân loại diễn tả rõ ràng (II.B.3.a). Nghĩa này có nền tảng trong sự kiện Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Kinh thánh, có thể hướng dẫn tác giả nhân loại chọn lựa các cách diễn tả sao cho các cách diễn ta này nói lên một chân lý mà chính các tác giả cũng không thấu triệt được trọn vẹn chiều sâu của chúng (II.B.3.c).
Ta có thể nhận ra rằng một bản văn Kinh thánh có một nghĩa trọn khi ta nghiên cứu bản văn dưới ánh sáng của những bản văn Kinh thánh khác hoặc những truyền thống giáo lý uy tín đã sử dụng bản văn ấy (II.B.3a).
Nguyên tắc 15: Sử dụng phương pháp phê bình – lịch sử.
Phương pháp phê bình-lịch sử là dụng cụ cần thiết của việc chú giải khoa học để tìm ra nghĩa chữ theo một cách thức lưỡng sử (I.A.4.g; I.A.a).
Để làm được công việc này, cần phải có một việc nghiên cứu theo cách tổng sử hình thái cuối cùng của bản văn, là Lời Thiên Chúa được diễn tả ra (I.A.4.f).
Phương pháp phê bình-lịch sử có thể và phải được sử dụng mà không cần các tiền giả định triết học ngược lại niềm tin ki-tô giáo (I.A.4.b-c).
Mặc dù quan trọng, phương pháp phê bình-lịch sử không thể hưởng độc quyền, và các nhà chú giải phải ý thức về các giới hạn của nó. Các nhà chú giải phải nhận biết khía cạnh năng động và khả năng phát triển của ý nghĩa (Kết luận d).
Nguyên tắc 16: Nhiều phương pháp và tiếp cận khác
Cách chú giải công giáo có đặc điểm là mở ra với nhiều phương pháp và tiếp cận. Mặc dù phương pháp phê bình-lịch sử có vị trí ưu tiên, các phương pháp và tiếp cận văn chương dựa trên truyền thống, các khoa học xã hội, hoặc các hoàn cảnh hiện đại đặc thù có thể giúp đi sâu vào trong ý nghia của lời Kinh thánh. Tuy nhiên, giá trị của các giúp đỡ hiểu biết này phải đáp ứng sự hòa hợp của chúng với các nguyên tắc căn bản đang hướng dẫn việc giải thích công giáo.
Nguyên tắc 17: Công việc của nhà chú giải và tương quan của việc chú giải với các ngành thần học khác.
Nhiệm vụ của nhà chú giải công giáo vừa là một công việc nghiên cứu vừa là một công việc phục vụ Giáo hội (III.C.a). Bởi vì việc giải thích vững chắc đòi hỏi có một sự liên hệ sống động với những gì đang nghiên cứu và ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cần phải tham gia vào toàn thể đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu (III.A.3.g) và cầu nguyện cá nhân (Diễn văn 9).
Nhiệm vụ hàng đầu của nhà chú giải là cố gắng xác định thật rõ ý nghĩa của các bản văn Kinh thánh trong văn mạch của chúng, nghĩa là, trước tiên, trong văn mạch văn chương và lịch sử đặc thù của chúng, rồi kế đó trong văn mạch rọng hơn là Thư quy của Kinh thánh (III.D.4.b).
Các nhà chú giải công giáo chỉ thực sự đạt tới đích khi họ đã giải được ý nghĩa của bản văn Kinh thánh xét như Lời Thiên Chúa cho ngày hôm nay (III.C.1.b). Các nhà chú giải cũng phải cắt nghĩa nọi dung ki-tô học, thư quy và giáo hội học của các bản văn Kinh thánh (III.C.1.c).
Chú giải là một môn thần học, nên có một quan hệ đối thoại với các môn thần học khác (III.D.a).
Nguyên tắc 18: Hiện tại hóa.
Giáo hội đón nhận Kinh thánh như là Lời Thiên Chúa vừa ngỏ với Giáo hội vừa với toàn thể thế giới trong thời đại hiện nay (IV.a). Hiện tại hóa là công việc có thể làm được do bởi ý nghĩa phong phú hàm chứa trong bản văn Kinh thánh, và là công việc cần thiết, bởi vì Kinh thánh được sáng tác để đáp ứng những hoàn cảnh trong quá khứ và theo một ngôn ngữ phù hợp với những hoàn cảnh này (IV.A.1.b-c).
Hiện tại hóa giả thiết chú giải đúng bản văn, xác định được nghĩa chữ của bản văn đó (IV.A.2.e). Phương pháp chắc chắn nhất và phong phú nhất để hiện tại hóa Sách thánh là giải thích Sách thánh bằng Sách thánh. Việc hiện tại hóa một bản văn Kinh thánh vào cuộc sống ki-tô hữu tiến hành bằng cách đặt trong tương quan với mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội (IV.A.2.f).
Việc hiện tại hóa gồm ba bước: 1. lắng nghe Lời Thiên Chúa từ trong một hoàn cảnh cụ thể; 2. xác định những phương diện của hoàn cảnh hiện tại được bản văn Kinh thánh nêu bật hoặc đặt thành vấn đề; 3. rút từ kho tàng ý nghĩa của bản văn Kinh thánh những yếu tố khả dĩ giúp cho hoàn cảnh hiện tại tiến tới một cách phong phú và hòa hợp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa trong Chúa Kitô (IV.A.2.g).
Nguyên tắc 19: Hội nhập văn hóa.
Nền tảng của việc hội nhập văn hóa là niềm xác tín rằng Lời Thiên Chúa siêu vượt các nền văn hóa trong đó Lời được diễn tả. Lời Thiên Chúa có thể và phải được diễn tả cách nào để tới được với mọi người trong chính bối cảnh văn hóa của họ (IV.B.b).
Giai đoạn thứ nhất của việc hội nhập văn hóa là chuyển dịch Sách thánh sang một ngôn ngữ khác (IV.B.c). Kế đó là việc giải thích, làm cho sứ điệp Kinh thánh có tương quan minh nhiên hơn với những cách cảm nghĩ, cách suy tư, cách sống và cách diễn tả riêng của nền văn hóa địa phương. Cuối cùng, người ta bước sang những giai đoạn khác của việc hội nhập văn hóa, đưa tới chỗ hình thành một nền văn hóa ki-tô giáo địa phương, thấm nhập vào mọi phương diện của cuộc sống (IV.B.e)
Tương quan giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa con người mà việc hội nhập văn hóa đưa tới là một tương quan làm phong phú lẫn nhau. Các kho tàng phong phú được chứa đựng trong các nền văn hóa khác nhau giúp cho Lời Thiên Chúa sinh nhiều hoa trái mới, trong khi ánh sáng của Lời Thiên Chúa giúp biện phân ra những yếu tố tích cực và những yếu tố có hại (IV.B.f).
Nguyên tắc 20: Việc sử dụng Kinh thánh trong Giáo hội.
Việc giải thích xảy đến trong tất cả mọi cách thức Giáo hội sử dụng Kinh thánh – trong phụng vụ, lectio divina, trong công việc mục vụ và đại kết.
Theo nguyên tắc, phụng vụ giúp thực hiện việc hiện tại hóa hoàn hảo nhất các bản văn Kinh thánh bởi vì chính Chúa Kitô “nói khi người ta đọc Kinh thánh trong Hội thánh” (PV 7). Phụng vụ dành một vị trí ưu tiên cho các Tin Mừng, và chu kỳ các bài đọc Chúa Nhật, nối kết một bản văn Cựu Ước với một bài đọc Tin Mừng, thường gợi ra một cách giải thích tiên trưng (IV.C.1.b-c).
Lectio divina là đọc Kinh thánh như là Lời Thiên Chúa; nhờ sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, việc đọc này đưa tới suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm (IV.C.2.a).
Công việc mục vụ sử dụng Kinh thánh trong huấn giáo, giảng thuyết và việc tông đồ Kinh thánh (IV.C.3.a). Kinh thánh cung cấp nguồn thứ nhất, nền tảng và quy tắc cho việc dạy giáo lý và giảng thuyết, tại nơi nào mà Kinh thánh được giải thích dưới ánh sáng của Thánh Truyền (IV.C.3.b). Vai trò của bài giảng là hiện tại hóa Lời Thiên Chúa (IV.C.1.d).
Fx. Vũ Phan Long
[1] Positivisme: Hệ thống triết học coi việc quan sát các sự kiện, coi kinh nghiệm thực tiễn, là nền tảng duy nhất của kiến thức.
[2] Philologie: Ngành nghiên cứu một ngôn ngữ hoặc mọt gia đình các ngôn ngữ, dựa trên việc phân tích phê bình các bản văn.
[3] Syntaxe: Toàn bộ các quy tắc nhờ đó các đơn vị ngữ học được liên kết thành câu.