[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,11-19″]
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CAN ĐẢM KÊU XIN CHÚA
“Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!”” (Lc 17,12-13).
Con người luôn có những vấn đề không thể tự giải quyết. Họ tìm đến nhiều sự trợ giúp khác nhau. Có một giải pháp mà bất cứ ai vào bất cứ lúc nào cũng có thể tìm đến là Thiên Chúa.
Nơi biên giới giữa hai miền Samaria và Galilê có những người phong cùi đang chờ để gặp được Chúa Giêsu. Lúc này, Chúa Giêsu là “phao cứu sinh” cho họ. Quả vậy, cuộc đời họ đã đi vào ngõ cụt khi không được ở trong khu dân cư, không được tiếp xúc gần với người khác. Họ bị cô lập với xã hội. Không ai có thể giúp họ khi họ mang căn bệnh nan y này. Họ chỉ còn trông mong vào Chúa Giêsu, Đấng mà họ đã nghe tiếng là đã chữa lành nhiều căn bệnh nan y khác (x. Lc 4,38 – 40). Những người phong cùi này đã mạnh dạn kêu xin Chúa Giêsu “thương xót” họ. Chúa Giêsu đã nghe tiếng kêu cứu, Ngài nhìn thấy và thấu hiểu nỗi khổ đau từ thể xác cho đến tâm hồn họ và Ngài cứu chữa họ.
Ngày nay, khi cả thế giới tràn ngập dịch bệnh Covid – 19 cũng đang có nhiều người lâm cảnh tuyệt vọng. Nhiều người chết, nhiều người mất sức khỏe, mất việc làm và nhiều người lâm cảnh túng quẫn, đói kém… Thế giới đầy rẫy những tiếng than khóc. Nhiều người được các phương tiện y tế và xã hội hỗ trợ giảm bớt những đau khổ đó. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tìm đến Thiên Chúa, cậy trông vào tình thương quan phòng của Người. Quả thật, “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2). Nơi Thiên Chúa, người ta sẽ tìm được sức mạnh để vượt qua đau khổ nhất là tâm hồn sẽ bình an vì được Chúa luôn chăm sóc và bảo vệ. Tuy nhiên, không phải người nào cũng “dám” kêu xin Chúa nhưng cần một lòng can đảm trên một lòng tin mạnh mẽ. Một lòng can đảm để vượt qua những trở ngại trước mắt mà đến với Chúa. Lòng can đảm ấy cần một lòng tin vững vàng để không đánh mất mình, không quên đi những ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa vẫn hằng ban xuống cho mỗi người. Thật thế, nhiều người không dám nài xin Chúa cứu chữa mình vì một mặt họ không tin vào Chúa mà tin vào những phương thế khác. Mặt khác, họ không đủ can đảm kêu lên Thiên Chúa vì họ không có tương quan thân thiết với Ngài. Người ta quên rằng Chúa yêu thương con người và đã hy sinh để cho con người được sống. Vì thế, mỗi người hãy ý thức rằng mình đã và đang nhận được nhiều ơn lành từ Thiên Chúa và từ đó dám kêu cầu Ngài trong những lúc gian nan, khốn khó.
Thiên Chúa hằng chờ mong con người đến với Ngài, xin cho mỗi người giữa những đau khổ của cuộc sống được lòng can đảm để kêu xin Chúa thương xót đến chúng ta vì: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7-11)
[/loichua]