Thứ Tư tuần XXVII Thường Niên – Ngày 11/10/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11, 1-4″]

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”.

Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

LỜI KINH CHÚA DẠY

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói : Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11, 2).

Lần giở lại những trang Tin Mừng, không ít lần chúng ta bắt gặp hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện. Đó là khi Chúa Giêsu bước vào trong sa mạc ; trước khi tuyển chọn các tông đồ ; và cả trong thời gian rao giảng Tin Mừng của Người. Nhìn thấy Thầy mình chìm sâu trong sự kết hợp với Chúa Cha, và niềm khao khát đi vào sự hiệp thông đó, các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay đã đến thưa với Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Lời kinh Chúa Giêsu dạy không chỉ dừng lại ở lời nói, nhưng còn là một lời mạc khải của Chúa Giêsu về dung mạo đầy tình thương của Chúa Cha. Thiên Chúa Cha, Ngài không xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là một Thiên Chúa rất gần với chúng ta, luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta, như người con thân thưa gọi cha mình. Vào thời Đức Giêsu, việc Người gọi Thiên Chúa là Cha đã làm cho người Do Thái tức giận và ganh ghét. Thánh Gioan trong Tin Mừng của ngài viết rằng : “Bởi vậy, người Do Thái lại tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật ngày Sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18). Tuy thế, việc người Do Thái căm ghét, lại là điều làm cho chúng ta vui mừng và hy vọng. Quả thật, nhờ Bí Tích Rửa Tội được lãnh nhận, chúng ta tham gia vào gia đình Giáo Hội, trở nên con cái Thiên Chúa, và được diễm phúc gọi Chúa là Cha chúng ta. Là thành viên của gia đình Giáo Hội, có Thiên Chúa là Cha, lời kinh Chúa Giêsu dạy còn mời gọi chúng ta yêu mến tha nhân với lòng nhân hậu và sự tha thứ. Hướng đến tha nhân một cách chân thành, trên hết là tôn trọng phẩm giá và làm cho phẩm giá con người phát triển toàn diện. Trong thông điệp Fratelli Tutti, số 108, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng : “Thế giới hiện hữu là để cho mọi người, vì tất cả chúng ta đều là những nhân vị được sinh ra trên trái đất này với cùng một phẩm giá. Sự khác biệt về màu da, tôn giáo, khả năng, quê quán, nơi cư trú, và biết bao điều khác nữa, đều không thể được coi là ưu tiên hoặc được dùng để biện minh cho đặc quyền của một số người gây thiệt thòi cho mọi người khác. Do đó, với tư cách là một cộng đồng, chúng ta có nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người được sống với phẩm giá và có những cơ hội thích đáng để phát triển toàn diện”.

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống lời kinh Chúa dạy và cuộc sống của chúng ta phải là sự quảng diễn của kinh Lạy Cha. Do vậy, chúng ta không chỉ đón nhận tình thương của Thiên Chúa cách nhưng không, mà còn làm cho Danh Thánh Cha được tỏ hiện nơi những tâm hồn nguội lạnh, phá vỡ những rào cản ngăn cách ngang qua lời nói, hành động và lời cầu nguyện của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, lời kinh Chúa dạy các tông đồ khi xưa, cũng là lời chỉ dạy của Chúa cho chúng con hôm nay. Nhờ đó, chúng con nhận ra được tình thương vô vị lợi của Chúa Cha dành cho chúng con ; đồng thời, chúng con cũng biết chia sẻ tình thương đó cho những người chúng con gặp gỡ, hầu làm cho “danh Cha được cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Amen.

[/loichua]

Comments are closed.