[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 11, 1-4.”]
Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”“
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TÔN VINH THIÊN CHÚA QUA KINH LẠY CHA
Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”. (Lc 11, 2)
Người Do Thái thường có nhiều nhóm cầu nguyện khác nhau, và cách cầu nguyện của mỗi nhóm lại nói lên nét riêng biệt, sự đặc trưng mang phong cách riêng của mình. Khi thấy các môn đệ ông Gioan Tẩy Giả cầu nguyện theo nhóm như vậy, thì các môn đệ cũng muốn mình được Chúa Giê-su dạy cho biết cách cầu nguyện. Do đó, Chúa Giê-su đã dạy các ông cầu nguyện theo khuôn mẫu Kinh Lạy Cha.
Kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su dạy các môn đệ bao gồm nhiều lời cầu xin. Đầu tiên là hướng về vinh quang của Chúa Cha như: Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Thứ đến mới dâng lên Chúa Cha những ước vọng của con người, xoay quanh những nhu cầu cho cuộc sống: Xin cho lương thực hằng ngày, xin được giải thoát khỏi tội lỗi với điều kiện mỗi người cũng tha thứ lỗi lầm cho anh em mình, và cuối cùng xin Chúa bảo vệ khỏi “sa chước cám dỗ”. Như vậy, Chúa Giê-su dạy các môn đệ trước hết là tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa trong tâm thức là một người con. Mạc khải này vô cùng quan trọng đối với người Do Thái thời bấy giờ, bởi vì hầu như không ai dám gọi Thiên Chúa là Cha. Chỉ khi Chúa Giê-su đến và mạc khải cho nhân loại biết Người là Con Một Thiên Chúa, và con người được trở nên nghĩa tử trong việc hiệp thông với Con Thiên Chúa. Người còn mạc khải về việc triều đại Thiên Chúa hiển trị, Nước Thiên Chúa là Nước Tình Yêu, là chính Đức Ki-tô đang ngự giữa các ông. Như thế, cầu xin cho Nước Thiên Chúa trị đến tức là xin cho công trình của Đức Ki-tô được kiện toàn nơi trần gian và cũng là lời cầu xin Chúa Giê-su sẽ lại đến để hoàn tất Nước Trời trong vinh quang, ngày Người đến để phán xét.
Lời tôn vinh Thiên Chúa nói lên bổn phận làm con của chúng ta. Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, tham dự vào thân mình mầu nhiệm Chúa Ki-tô là Hội Thánh. Vì là con nên chúng ta phải sống theo lời mời gọi của Cha trên trời: “Các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11, 44). Nhưng nếu chỉ dựa vào sức riêng của mình, thì chúng ta không thể làm được điều đó, vì chúng ta biết rằng con người thường yếu đuối dẫn đến phạm lỗi mỗi ngày nên chúng ta cần dựa vào ơn Chúa. Do đó, chúng ta phải khiêm nhường xin Chúa giúp sức qua đời sống cầu nguyện liên lỉ nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần như lời thánh Phaolo nói: “Cầu nguyện chính là phương thế xin ơn Chúa xuống cho mình và tha nhân. Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 15, 26).
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con siêng năng hiệp thông với Chúa qua đời sống cầu nguyện, để nhờ sức mạnh thiêng liêng Chúa ban, chúng con can đảm sống thánh thiện theo thánh ý Chúa và làm sáng danh Chúa trên trần gian. Amen.
[/loichua]