Thứ Tư Tuần XXII Thường Niên – Ngày 31/08/2022

Lời Chúa: Lc 14, 1.7-14

Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Đức Giê-su nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

 


Suy niệm

KHIÊM NHƯỜNG THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊSU

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 10,9).

Lối sống tiện nghi tiêu dùng ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, đã khiến cho con người không ít lần phải gắng sức chạy theo, nhằm đạt được mức sống mơ ước; hay cao hơn là được xã hội công nhận, mọi người ngưỡng mộ. Tuy là những điều chính đáng, song khi ngẫm lại, liều gồng mình gắng sức đã khiến ta đánh mất điều quan trọng nào, hoặc tự hỏi ta có nên khiêm nhường lại một chút chăng?

Quan sát bối cảnh đoạn Tin Mừng hôm nay, ta dễ dàng nhận ra xung quanh bữa tiệc không có bóng dáng của những người nghèo khổ, kẻ tội lỗi, quân thu thuế hay gái điếm. Lẽ dĩ nhiên, một người Do Thái chân chính như ông Simon biệt phái không thể hòa mình với những hạng người ấy. Từ đây, ta nhận ra có một sự phân biệt, hay rộng hơn là lối suy nghĩ rất thường thấy của con người thời đại, đó là tâm lý muốn được xã hội thừa nhận, được đánh giá ưu tuyển. Bằng chứng rằng, những khách mời dự tiệc là người có danh tiếng, địa vị; nhưng họ luôn đăm đăm chọn chỗ nhất mà ngồi, không nghĩ rằng người cao trọng hơn mình sẽ đến sau.

Ngược lại, với con người Đức Giêsu, Đấng đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt con người. Đó là một sự khiêm nhường thẳm sâu. Trong khi con người kiêu ngạo muốn vươn lên làm Chúa, thì Thiên Chúa lại khiêm tốn hạ mình xuống làm người. Trong khi con người hèn hạ muốn làm chủ tất cả, thì Chúa Trời cao cả lại hạ mình xuống để nâng con người lên. Khiêm nhường, đó là con đường của Thiên Chúa.

Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là hèn nhát. Trái lại, chỉ những ai can đảm mới dám hạ mình phục vụ anh em. Khiêm nhường như Chúa Giêsu không phải là nô lệ. Trái lại khiêm tốn phục vụ là một cử chỉ đầy tình yêu, một thái độ hoàn toàn tự do, cao quý. Khiêm tốn hạ mình phục vụ là thoát khỏi cái tôi chật hẹp ích kỷ để đi vào con đường tự do thênh thang của Thiên Chúa, của Nước Trời. Khiêm tốn có nghĩa là bắt chước sống như Chúa, không sống cho riêng mình, nhưng sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ, không phải cho bản thân và lợi ích riêng của cá nhân, mà là cho người khác và những nhu cầu của họ.

Vì thế, Chúa vẫn mời gọi chúng ta đi tiếp con đường Chúa đã đi. Con đường khiêm nhu để đến với anh em, để sống hoà hợp và phục vụ anh em, để trở nên kẻ có ích cho mọi người. Vượt lên trên sự khiêm nhu là tình yêu đại đồng với tha nhân. Có như vậy, cuộc đời chúng ta đang sống mới đượm thắm tình yêu và rộn ràng niềm vui tiếng cười.

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên, xin cho chúng con luôn biết đặt điều quan trọng trong cuộc đời mình là Chúa, để những cố gắng trong đời sống của chúng con luôn hướng về Chúa, và phục vụ lợi ích của tha nhân mà phát triển bản thân mình. Amen.


Comments are closed.