Thứ Tư Tuần X Thường Niên – Ngày 08/06/2022

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.

 


Suy niệm

SỐNG TINH THẦN LUẬT CỦA CHÚA GIÊSU

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn (Mt 5,17).

Lược qua các trang Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều lần những người Pharisêu và các Kinh Sư càm ràm việc Chúa Giêsu không tuân giữ Lề Luật. Khi thì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ngồi vào bàn ăn, lúc khác Ngài tiếp đón – ngồi cùng bàn với người thu thế và người tội lỗi, lúc khác nữa Ngài chữa bệnh trong ngày Sabath. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lại khẳng định rằng: “Thầy không đến để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”. Vậy, có sự mâu thuẫn giữa những hành động và lời rao giảng của Chúa Giêsu không? Và sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta ngày hôm nay là gì?

Lề Luật là điểm đặc trưng và trọng yếu trong tôn giáo Do Thái. Người Do Thái sử dụng Lề Luật theo những nghĩa khác nhau: có khi Lề Luật nhằm chỉ đến Mười Điều Răn là bản Giao Ước Thiên Chúa ký kết với cha ông họ qua Môsê; có khi Lề Luật chỉ đến năm cuốn sách Kinh Thánh đầu tiên gọi là Torah; Lề Luật cũng ám chỉ đến lời của các ngôn sứ được ghi lại trong toàn bộ Kinh Thánh Cựu Ước. Vào thời của Chúa Giêsu, xuất hiện nhiều Kinh Sư, những người chuyên suy luận, cắt nghĩa và lập ra rất nhiều thứ luật lệ khác nhau, và biến Lề Luật trở thành thước đo đời sống thánh thiện theo kiểu con người. Dần dà, Lề Luật mất đi ý nghĩa ban đầu là giữ con người sống mối tương quan với Thiên Chúa, dẫn con người đến gần Thiên Chúa. Thay vào đó, người ta chỉ còn biết chú tâm đến Lề Luật cách tỉ mỉ, chi li và vụn vặt nhằm xét đoán con người như là mục đích cuối cùng. Đó là lý do, nhiều lần Chúa Giêsu công kích, đả phá thái độ sống duy lề luật của các Pharisêu và Kinh Sư (Mt 11,28; Lc 11,46; Mt 23,23). Những hành động của Chúa Giêsu không nhằm bãi bỏ Lề Luật, nhưng Ngài cho con người thấy ý nghĩa và nguyên tắc quan trọng của Lề Luật là tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa để được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Ý nghĩa và nguyên tắc Lề Luật được Đức Giêsu gộp tóm trong câu trả lời cho một Kinh Sư: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Và, ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22, 37-39). Tình Yêu là tất cả ý nghĩa của tinh thần Lề Luật mà Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta. Chính cuộc đời của Chúa Giêsu hòa hợp với lời khẳng định “Thầy không đến để bãi bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn”, nên không có mâu thuẫn giữa hành động và lời rao giảng của Ngài.

Với sứ điệp Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa bằng trái tim yêu thương. Chúng ta phải tuân giữ Lề Luật nhưng không phải để xét đoán, hay kết án người khác, mà để sống mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và với tha nhân, nghĩa là không giữ luật cách cứng nhắc, nhưng luôn khởi đi từ tấm lòng yêu mến. Chẳng hạn, chúng ta không chỉ tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật vì giữ Luật, nhưng quan trọng hơn là vì lòng yêu mến Thiên Chúa, vì được đến để chúc tụng, ngợi ca và cảm tạ ơn Chúa. Hoặc, chúng ta không dừng lại ở việc giữ luật như cấm giết người, cấm ngoại tình… nhưng Chúa Giêsu còn dạy chúng ta vượt qua luật cấm đó bằng những hành động yêu thương, tha thứ, cảm thông với những người sống bên cạnh chúng ta; loại bỏ những ước muốn xấu, những tư tưởng xấu để giữ một tâm hồn trong sạch và giữ sự bình an trong cuộc sống. Đó chính là ý nghĩa của sống tinh thần Lề Luật mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng với Ngài kiện toàn.

Xin Chúa giúp sức để chúng ta trung thành tuân giữ và yêu mến luật Chúa truyền ban.


Comments are closed.