Thứ Tư Tuần X Mùa Thường Niên – Ngày 09-06-2021

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

 


Suy niệm

LỀ LUẬT NHƯ MỘT CÔNG CỤ GIÚP TA SỐNG TỰ DO

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mc 2, 22b).

Khi nói đến lề luật, có lẽ chúng ta ít nhiều có cảm giác bị bó buộc, mất tự do. Sở dĩ, chúng ta có cảm giác như thế, bởi vì luật bắt chúng ta phải giữ điều này, tránh điều kia và như vậy nhiều khi chúng ta không thể làm theo ý muốn của mình. Nhiều người nghĩ rằng giá như không có luật lệ thì con người sẽ được tự do. Thế nhưng, con người có thật sự tự do khi không tuân giữ lề luật?

Chúng ta biết Chúa Giêsu là một con người tự do trong lời nói và hành động. Tuy nhiên, tự do đó không phải là Người làm theo sở thích của mình, nhưng Người vẫn sống theo lề luật đòi hỏi. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta Người không đến để bãi bỏ luật, nhưng là để kiện toàn. Như thế, Chúa Giêsu cho thấy lề luật trong Cựu Ước có một giá trị để hướng dẫn con người sống tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Thật vậy, luật Môsê và lời các ngôn sứ được viết ra không phải do ý muốn con người, nhưng đến từ Thiên Chúa. Ý muốn của Chúa luôn mang đến điều tốt lành trọn hảo cho con người. Ngài muốn con người nhờ giữ những quy định trong lề luật mà đi đến sự tự do và trách nhiệm. Tuy nhiên, với thời gian, những luật sĩ và biệt phái giải thích lề luật đi lệch với ý muốn ban đầu của Thiên Chúa. Do đó, luật trở nên gánh nặng bó buộc khiến con người mất tự do. Chúa Giêsu đến không phải thay đổi luật, nhưng để điều chỉnh lại cho đúng với ý muốn ban đầu của Thiên Chúa. Người khuyến khích chúng ta chuyển từ việc tuân giữ lề luật một cách hình thức đến việc tuân giữ điều nòng cốt, đón nhận lề luật trong tâm hồn, nơi là trung tâm của ý định, quyết định, lời nói và cử chỉ của mỗi người. Người muốn chúng ta hiểu rằng luật được đặt ra không phải là một gánh nặng, nhưng nó là một phương thế dẫn chúng ta đến sự tự do thành toàn trong đời sống.

Người Kitô hữu sống trong xã hội hôm nay cũng đang bị ràng buộc bởi nhều luật lệ: luật dân sự, luật Chúa, luật Giáo hội. Chúng ta phải có thái độ nào với những luật lệ đó? Chúng ta có nghĩ rằng phải giữ những điều đó làm chúng ta bị bó buộc, mất tự do. Từ đó, chúng ta đi tới thái độ phản kháng lại, làm ngược lại với những gì luật đòi hỏi. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn đối với lề luật. Lề luật được đặt ra không phải để chất lên vai chúng ta những gánh nặng, nhưng nó là phương thế giúp chúng ta sống tự do và trách nhiệm hơn khi hành động theo những đòi hỏi của luật.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài huấn dụ ngày 16.02.2021 đã nói: “Lề luật như một công cụ tự do, giúp chúng ta không trở thành nô lệ cho những đam mê và tội lỗi”. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta đọc ra được ý nghĩa đích thực mà lề luật mang lại. Đó không phải là một gánh nặng, nhưng là một phương thế đưa chúng đến tự do và hạnh phúc thật.


Comments are closed.