Thứ Tư Tuần V Mùa Thường Niên – Ngày 10-02-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 7, 14-23″]

Khi ấy, Chúa Giê-su lại gọi dân chúng mà bảo rằng : “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông : “Các con cũng mê muội như thế ư. Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán : “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TÂM HỒN: NƠI ĐỊNH GIÁ MỘT CON NGƯỜI

“Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra” (Mc 7, 18-19)

Người Do Thái tôn thờ Thiên Chúa là Thánh, nên rất coi trọng những nghi thức thanh tẩy để bớt bất xứng khi diện kiến Ngài. Các nghi thức này được quy định hết sức tỉ mỉ và cụ thể trong các sách Cựu ước, đặc biệt là sách Lêvi. Vì quá coi trọng các hình thức tẩy rửa bên ngoài, nên người Do Thái đã dần lãng quên ý nghĩa đích thực của các nghi thức ấy: đó là nhằm tẩy luyện tâm hồn.

Không chủ ý đối đầu, nhưng vì muốn trả lại ý nghĩa đích thực, cái nhìn của Chúa Giêsu về Lề Luật đã đi ngược lại quan niệm của giới lãnh đạo Do Thái giáo. Từ hôm nay trở đi, khoảng cách giữa Chúa và họ sẽ càng trở nên xa vời. Thay vì nghiệm xét xem điều gì mới là ý muốn Thiên Chúa, người Do Thái lại cố chấp, khư khư ôm lấy truyền thống nặng nề của tiền nhân. Thật ra, không phải đến thời Chúa Giêsu mới nói đến đời sống nội tâm, tiên tri Isaia đã từng cảnh báo: “Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm” (x. Is 29,13); tiên tri Hôsê cũng thốt lên rằng: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).

Nếu không cẩn thận, điều đã xảy ra với người Do Thái rất có thể tiếp tục lặp lại nơi các tín hữu. Tham dự Thánh lễ, đọc kinh hằng ngày, làm vài việc bác ái thì dễ hơn phải tha thứ cho một ai đó; kiêng một vài món ăn thì nhẹ nhàng hơn bỏ một thói quen xấu, rèn luyện một nhân đức. Thay vì mải mê vun đắp sự giàu có, danh tiếng, địa vị… để chứng tỏ giá trị của mình, mỗi người cần dành ưu tiên trên hết cho việc đào luyện tâm hồn. Đây cũng là niềm tin cốt lõi trong triết lý của Robin Sharma, nhà đào tạo nhân lực hàng đầu thế giới: “công việc chính của mọi con người là công việc nội tâm”. Từ tâm hồn trong sạch sẽ khởi phát mọi ý nghĩ, lời nói và hành động tốt đẹp. Mẹ Têrêsa Calcuta cũng nhắn nhủ: “hãy để mọi người quét dọn trước cửa nhà họ và cả thế giới sẽ sạch sẽ”.

Câu hỏi được nêu ra là làm thế nào để đào tạo tâm hồn? Có thể nói, tâm hồn nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi cá nhân, chỉ có Thiên Chúa mới thấu biết. Do đó, việc đào luyện tâm hồn phải do chính Thiên Chúa thực hiện.

Xin Chúa giúp chúng ta xác tín và nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Qua việc lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, Chúa sẽ chiếm chỗ trong tâm hồn và đuổi xa khỏi chúng ta các ác thần, tội lỗi (x. Mt 12,45). Cùng với đó, xin Người giúp chúng ta cảm nghiệm và sống trọn vẹn: “Lời Thiên Chúa… sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Nhờ vậy, tâm hồn sẽ được thanh luyện và tìm được lối đi đích thực hướng đến chân lý vẹn toàn.

[/loichua]

Comments are closed.