Thứ Tư Tuần Thánh – Ngày 31-03-2021

Lời Chúa: Mt 26,14-25

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giu-đa Ít-ca-ri-ô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ : “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông”. Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giê-su rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu”. Chúa Giê-su đáp : “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng : Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giê-su đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói : “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người : “Thưa Thầy, có phải con không”. Người trả lời : “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người ; nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn”. Giu-đa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có phải con chăng”. Chúa đáp : “Ðúng như con nói”.

 


Suy niệm

NHỚ LẠI ÂN NGHĨA VỚI CHÚA ĐỂ SÁM HỐI

“Và khi các ông đang ăn, Người nói : “Thầy nói thật với các con:
có một người trong các con sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21).

Tình yêu của Đức Kitô trở nên trọn hảo khi không chỉ “hy sinh mạng sống cho bạn hữu của mình” (Ga 15,13) nhưng là hy sinh cho kẻ phản bội Người, như thánh Phaolô có nói: “Đức Kitô đã chịu chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta là những người tội lỗi” (Rm 5,8). Tình yêu của Chúa Giêsu bao dung cho kẻ phản bội, kêu gọi sự sám hối. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hồi tưởng lại tình yêu của Chúa, để sám hối những lỗi lầm của mình, bước theo Chúa cho trọn.

Khuôn mặt của Giuđa Iscariốt được nhắc đến trong bài Tin Mừng không phải để xoáy sâu vào hành vi lỡ lầm của ông, nhưng nêu bật tình yêu vô cùng của Đấng chịu đau khổ. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, không ít câu hỏi đặt ra: Chúa Giêsu biết kẻ nào sẽ phản bội Người, nhưng tại sao Người vẫn đồng bàn, bẻ chung một tấm bánh, chấm chung một đĩa? Và Người nhắc đến kẻ phản bội trong bữa ăn có ý nghĩa gì? Những thắc mắc trên như lý giải tình yêu của Chúa Giêsu là yêu hết thảy những kẻ thuộc về Người, và Người yêu cho đến cùng (x. Ga 13,1). Yêu cho đến cùng là yêu đến tàn hơi vẫn sẵn sàng tha thứ cho kẻ phản bội và cầu nguyện cho kẻ bất trung, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Bàn ăn là nơi thể hiện tình yêu, Chúa Giêsu đồng bàn với Giuđa như đã bao lần sẻ chia với nhau, để gợi lại những ký ức với ân tình đẹp đẽ giữa tình Thầy trò, mong sao Giuđa sám hối. Như Phêrô, khi chợt nhớ lại ân tình với Chúa Giêsu, đã khóc lóc và sám hối lỗi lầm của mình (x. Mc 14,72). Chúa cho biết sẽ có người phản bội, nhưng không nêu rõ đích danh ai, sự tinh tế và tế nhị của Chúa Giêsu khiến mỗi người trong nhóm môn đệ tự đấm ngực và tự trả lời cho mình. Các môn đệ đều buồn rầu và lần lượt hỏi Chúa Giêsu “có phải con không?”. Giuđa cũng hỏi Chúa: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” và đã nghe Chúa Giêsu trả lời: “đúng như con nói”. Các môn đệ đã tự vấn trước mặt Chúa Giêsu, và mỗi người đã tìm cho mình câu trả lời, từ đó: có người quyết tâm không sa ngã, có người quyết định trở lại và có người trượt dài trên con đường tội lỗi của mình.

Chúa Giêsu chạy theo người tội lỗi kêu gọi quay đầu trở lại, Người chạy cho đến hơi thở cuối vẫn thở ra sự tha thứ và bao dung. Chúng ta có lúc cũng như Giuđa, khước từ ân nghĩa với Chúa, khi ẩn mình trong những góc khuất tội lỗi. Chúng ta sám hối, nhận ra những góc tối tâm hồn, và để tình yêu Chúa xóa tan những bóng mờ trong tâm hồn chúng ta. Góc khuất của chúng ta có khi là nằm lỳ trong tình trạng tội lỗi, mà vẫn cảm thấy bình an trong những hành vi sai trái của mình. Góc khuất của tâm hồn khi chúng ta biện minh cho hành vi sai trái bằng những lý lẽ có vẻ tốt lành. Góc khuất của chúng ta có khi là can đảm bước ra khỏi lầm lỗi, nhưng lại bị ký ức tội lỗi vây bám, đến độ nghi ngờ vào lòng thương xót và tình thương của Chúa. Những ký ức tội lỗi có thể dằn vặt tâm trí ta, nhưng chúng ta hãy nhớ lại ân tình và tín nghĩa của Chúa, đó là tình yêu cho đến cùng, tình yêu tha thứ đến vô tận, là tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi (x. 1Pr 4,8).

“Dân Ta hỡi, Ta đã làm gì ngươi? Ta đã làm chi khiến ngươi phiền lòng?” (Mk 6,3). Chúng ta cúi đầu sám hối, đã bao lần bội nghĩa bất trung, quên đi ân nghĩa của Chúa. Xin Chúa nối lại mối dây ân tình với Người để chúng ta mãi mãi được sống trong ân sủng và tình thương.


Comments are closed.