Thứ Tư Tuần II Mùa Thường Niên – Ngày 20-01-2021

Lời Chúa: Mc 3, 1-6

Khi ấy, Chúa Giê-su lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sa-bát không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng : “Ngươi hãy đứng ra giữa đây”. Rồi Người bảo họ : “Trong ngày Sa-bát được làm sự lành hay sự dữ. Ðược cứu sống hay là giết chết”. Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng : “Hãy giơ tay ra”. Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hê-rô-đê chống đối Người và tìm cách hại Người.

 


Suy niệm

NGÀY CHÚA NHẬT – NGÀY CỦA YÊU THƯƠNG

“Trong ngày Sabát được làm sự lành hay sự dữ. Ðược cứu sống hay là giết chết” (Mc 3,4).

Tin mừng thuật lại nhiều lần Chúa Giêsu bị tố cáo đã vi phạm luật ngày Sabat. Tuy nhiên, Người không bao giờ xúc phạm sự thánh thiện của ngày này. Ngược lại, Người dùng uy quyền của mình để giải thích ý nghĩa đích thực của ngày đó (x. GLCG, số 2173). “Ngày Sabat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabat” (Mc 2, 27a).

Thật vậy, với luật Do thái, trong ngày sabat có rất nhiều điều “phải” “cấm” làm. Trang Tin mừng hôm nay cho thấy, những người Pharisiêu và biệt phái đang theo dõi Chúa Giêsu với ánh mắt dò xét, soi mói xem Chúa có vi phạm luật ngày Sabat không để tìm cách tố cáo Người. Biết được tâm ý của họ, Chúa đã đặt cho họ một câu hỏi: “Trong ngày Sabát được làm sự lành hay sự dữ. Ðược cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3, 4). Nhưng họ làm thinh không trả lời. Trước thái độ chai đá của những người này, Chúa Giêsu đã nhìn họ với ánh mắt buồn phiền. Tuy nhiên, Người đã giúp cho họ có câu trả lời. Câu trả lời của Chúa không phải bằng lời nói nhưng bằng việc chữa lành cho người bại tay đang có mặt tại hội đường lúc bấy giờ. Dù đây là việc cấm làm trong ngày Sabát, nhưng với tấm lòng thương xót, Chúa muốn biểu lộ tâm hồn tràn đầy yêu thương đối với những người đau khổ, bệnh tật. Đồng thời, Người cũng thổi vào luật ngày Sabát một luồng gió mới, làm cho ngày này được mặc một tinh thần mới, đó là, yêu thương chính là luật tối thượng.

Nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, ngày Chúa Nhật đã hoàn thành ý nghĩa thiêng liêng của ngày Sabat Dothái. Do đó, việc giữ ngày Chúa Nhật trở thành một điều luật dành cho người Kitô hữu. Tuy nhiên, chúng ta giữ luật không chỉ vì luật, nhưng trên hết, khi giữ ngày Chúa Nhật, người tín hữu chứng tỏ sự hiệp thông của mình trong đức tin và đức mến. Trong đó, Bí Tích Thánh Thể chính là nền tảng và củng cố toàn bộ nền tảng đời sống Kitô hữu. Kế đến, ngày Chúa Nhật còn được lập nên để con người có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục lại nguồn năng lượng sau một tuần làm việc vất vả. Cuối cùng, người tín hữu được mời gọi sử dụng thời gian nghỉ ngơi ngày Chúa Nhật để hướng đến anh chị em sống chúng quanh mình, nhất là những người nghèo khổ, các bệnh nhân và những người già yếu không ai chăm sóc… Có thể nói, làm được nghư thế, chúng ta đã chu toàn được giới luật yêu thương như Chúa dạy đó là: “Mến Chúa và yêu người”. Đồng thời ngày nghỉ Chúa Nhật của ta sẽ trở nên thật ý nghĩa và đầy ắp tình yêu thương.

Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Rôma rằng: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật” (Rm 13,10). Giữa những bộn bề âu lo của cuộc sống, xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết cảm tạ Chúa vì đã ban cho ta thời gian ngày Chúa Nhật để thờ phượng Chúa, nghỉ ngơi và hướng đến tha nhân. Xin cho chúng ta biết dùng thời giờ nghỉ ngơi theo ý Chúa muốn, không lao vào những giải trí vô bổ, nhưng dùng thời giờ để làm điều lành và sống tình bác ái với nhau. Ngõ hầu mỗi ngày trong đời sống đều là những ngày để yêu thương.


Comments are closed.