[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 12, 18-27″]
Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
GIÁO LÝ VỀ SỰ SỐNG LẠI
“Khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời” (Mc 12, 25).
Trong hoàn cảnh nghịch lý của việc giải thích niềm tin vào sự sống lại giữa phái Sađốc và Pharisêu, Chúa Giêsu xác nhận giáo lý về sự sống lại và xác định niềm tin sự sống lại là trung tâm của đời sống đức tin. Từ câu truyện giả định mang tính phi lý để phủ nhận niềm tin vào sự sống lại của phái Sađốc, Chúa Giêsu đã cho thấy một tiền đề không chắc chắn khi phái Sađốc dựa trên các kết quả được diễn ra trên thiên đàng do tấn bi kịch xảy ra dưới trần gian và Người mạc khải rằng: “khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời” (Mc 12, 25). Qua lời trên, Chúa Giêsu xác nhận rõ ràng niềm tin về sự sống lại, sự hiện hữu của các thiên thần; và hôn nhân chỉ thuộc định chế đời này. Tiếp đến, Chúa Giêsu khai thông bế tắc niềm tin vào sự sống lại dựa trên niềm tin chắc chắn của người Do thái vào Thiên Chúa hằng sống: “Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp”. Thánh danh Thiên Chúa được mạc khải trong Cựu Ước cho thấy Thiên Chúa xuất hiện là Thiên Chúa của con người, một Thiên Chúa mà các tổ phụ đã gắn bó và quyết định tin theo; nhưng đồng thời cũng diễn tả quyền năng siêu việt vượt trên không gian và thời gian của vị Thiên Chúa hằng hữu. Nơi Tân Ước, chân lý đức tin này còn được Chúa Giêsu làm sáng tỏ và bảo đảm chắc chắn qua lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), và qua mầu nhiệm tử nạn – phục sinh của Người: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 20). Như vậy, danh xưng mà câu truyện bụi gai đã nhắm tới nay đã thành hiện thực và đã thành tựu nơi Đấng là Thiên Chúa mà vẫn trọn vẹn là người; đồng thời là người vẫn trọn vẹn là Thiên Chúa nơi Đức Giêsu – Kitô. Rõ rệt, nguyên nhân sâu xa mà phái Sađốc phủ nhận niềm tin vào sự sống lại là do: “các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, nên dẫn đến lầm lạc.” (x. Mc 12, 24).
Con người ngày nay bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi phong trào tục hóa. Lối sống đậm nét cá nhân chủ nghĩa đẩy con người vào cách sống hưởng lạc, tiêu thụ vật chất, bám víu đời này, lấy đời này làm cùng đích. Đây là nguyên nhân khiến con người mang ảo tưởng trở nên những siêu nhân của thời đại, những con người bất tử để đẩy Thiên Chúa ra bên ngoài cuộc sống với não trạng mình sẽ không bao giờ chết. Khuynh hướng này cũng ngấm ngầm làm băng hoại đức tin của người Kitô hữu, làm đảo khuynh niềm tin vào sự sống lại đến mức chỉ còn lý thuyết đức tin và đời sống đức tin tới chỗ vô thần thực tiễn. Lời Tín Biểu “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” trong Kinh Tin Kính không phải là điểm giáo lý chết hay được gói gọn trong lời tuyên xưng trống rỗng nhưng được bao bọc bởi cuộc sống tràn ngập đức tin sống động. Chân lý đức tin này không chỉ xuất hiện ở chân trời, mà còn định hướng, chiếu soi và ràng buộc cung cách sống của chúng ta ngay từ bây giờ. Như vậy chính trong cuộc sống hiện tại mà cuộc vượt qua của người Kitô hữu là sự phục sinh sau cùng, đã được khởi đầu.
Lạy Chúa, niềm tin vào sự sống lại không những giúp chúng con vượt qua sự sợ hãi của cái chết, nhưng ngược lại giúp chúng con sống một cuộc sống tràn đầy ý nghĩa. Xin đẩy xa chúng con khỏi những não trạng “Sađốc” lấy điểm tựa là trí tưởng tưởng mà không quan tâm đến tình yêu Thiên Chúa; xin đẩy xa chúng con khỏi những não trạng duy vật lấy thực tại trần thế là cứu cánh mà phủ nhận ơn giải thoát của Đức Kitô, để nhờ đó chúng con dám sống cuộc đời với niềm xác tin rằng: “dù sống hay dù chết chúng con cũng thuộc về Chúa”. Amen.
[/loichua]