[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,11-19.”]
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG TÂM TÌNH TẠ ƠN
“Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này” (Lc 17, 17-18)
Cổ ngữ Trung Hoa có câu: “Tri ân đồ báo”. Nghĩa là chịu ơn của ai thì phải biết tạ ơn, nhớ ơn và trả ơn. Thánh Gioan Bosco cũng nói: “Một đứa trẻ biết ơn là một đứa trẻ có tương lai”. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh sử Luca đã thuật lại cho chúng ta về việc Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn của anh cùi người Samaria. Như thế, tâm tình sống tạ ơn không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của đời sống đức tin.
Tiếc thay, chín trong số mười người phong cùi được chữa lành trong bài Tin Mừng đã mắc phải căn bệnh vô ơn. Chúa Giêsu đã lên tiếng chất vấn: “Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17, 17-18). Qua đó, chúng ta thấy được Chúa muốn con người phải biết sống tâm tình tạ ơn. Chúa Giêsu chính là mẫu gương cho chúng ta về vấn đề này. Trước khi hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn “Chúa Giêsu cầm bánh, tạ ơn Thiên Chúa rồi chia cho mỗi người…” (Ga 6, 11). Cũng thế, trước khi phục sinh Lazarô “Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện: Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì nghe lời con cầu xin” (Ga 11, 41). Và lúc lập phép Thánh Thể trong bữa tiệc ly, Người cũng dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha (x. Mt 26, 26-27; Mc 14, 22-23; Lc 22, 19-20)…
Nhìn lại hình ảnh chín người phong cùi trong bài Tin Mừng, họ đã không nhận ra ai mới là người chữa lành cho họ. Thật ra, vị tư tế làm gì có quyền phép để chữa lành bệnh tật, ông chỉ xác nhận những người phong cùi này đã hết bệnh và cho hòa nhập lại cộng đồng mà thôi (x. Lv 14, 1-32). Chính Chúa Giêsu mới là Đấng chữa lành cho họ. Nếu họ không biết ai là người đầu tiên mà họ cần phải trình diện thì quả thật họ được khỏi bệnh phong cùi về phần xác nhưng không chữa được bệnh vô ơn trong tâm hồn. Chỉ có người Samaria kia, sau khi “thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (Lc 17, 15). Chúng ta nghĩ xa hơn một chút: chín người kia sau khi được lành sạch đã bỏ mặc người bạn mà đã cùng nhau đồng hành, cùng nhau chia sẻ đau khổ trong thời gian mắc bệnh. Có thể họ sợ tiếp xúc với người ngoại giáo thì sẽ bị ô uế chăng? Vậy nên, khi vô ơn, con người không chỉ “quên đi tình Chúa” mà còn “đánh mất tình người”.
Thiên Chúa thật dễ dàng chữa khỏi mọi bệnh tật thể lý, nhưng Ngài không chữa bệnh vô ơn của con người, vì tạ ơn hay vô ơn chính là thái độ đáp trả trong tự do của mỗi người. Đối với Thiên Chúa, lời tạ ơn của con người không thêm gì cho Ngài, như lời nguyện trong Kinh Tiền Tụng IV của Hội Thánh: “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ”. Còn đối với những người ban ơn, sự biết ơn trở thành động lực để họ tiếp tục thi ân cho người khác với tấm lòng quảng đại, chia sẻ.
Vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi sống tâm tình tạ ơn bằng cách biết “ghi lòng tạc dạ” những điều lành mình nhận được từ Thiên Chúa, qua cha mẹ và những người làm ơn cho ta cách này hay cách khác. Chúng ta cũng cầu nguyện và báo ơn cho họ trong khả năng và trong từng ngày sống của mình. Khi đã chu toàn được những điều đó, chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ ban ơn cho chúng ta như lời Ngài đã nói với người Samaria năm xưa: “Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 17, 19).
Chúng ta nguyện xin Chúa ban muôn ơn lành hồn xác cho những người làm ơn cho chúng ta, cách riêng là với các đấng sinh thành dưỡng dục. Đồng thời, xin Chúa cũng ban cho mỗi người chúng ta luôn ý thức sống tâm tình tạ ơn: Tri ân tình Chúa – cảm mến tình người.
[/loichua]