Thứ Tư Tuần 2 Mùa Vọng – Ngày 09/12/2020

Lời Chúa: Mt 11, 28-30

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

 


Suy niệm

HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG NHƯ GIÊSU

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
(Mt 11, 29)

Khi gặp những khó khăn trái ý trong đời sống, mỗi người chúng ta có nhiều lựa chọn để giảm bớt căng thẳng và giải tỏa áp lực như nghe một bản nhạc yêu thích, chăm sóc một vườn cây, chơi các môn thể thao, hay đi thăm bằng hữu, hoặc đến các điểm du lịch,… Nhưng có lúc chúng ta gặp những khủng khoảng trong niềm tin thì tìm một nguồn an ủi lại càng khó hơn, và nhất là gánh nặng của tính kiêu căng tự mãn, đố kỵ ganh ghét càng làm cho tâm hồn không giữ được sự an nhiên.

Trang Tin Mừng ngắn gọn hôm nay là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho những ai đang vất vả mang gánh nặng nề về tinh thần lẫn thể xác, hãy đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Sự nghỉ ngơi bồi dưỡng ở đây không đồng nghĩa với việc giảm bớt những gánh nặng, nhưng là giúp vượt qua những vất vả với một tinh thần mới và một động lực mới là nên giống Chúa Giêsu hiền hậu và khiêm nhường. Thật vậy, trong Tin Mừng, không nhân đức nào được Chúa Giêsu nhắc đến thường xuyên và nhấn mạnh cho bằng đức hiền hậu và khiêm nhường. Hai nhân đức này liên đới chặt chẽ với nhau: Có khiêm nhường mới dễ ở hiền hậu. Có ở hiền hậu mới dễ tự hạ.

Trong Cựu Ước khi phác họa về con người của Đấng Thiên Sai, các tiên tri đã không chỉ cho thấy kho tàng thông biết của Ngài, song chính đức hiền hậu và khiêm nhường về Ngài được điểm rõ nét hơn cả: “Ngài như chiên con được đưa đi sát tế trên bàn thờ mà không một lời than van” (Gr 11, 19); “Không ai nghe tiếng Ngài la lối ngoài đường. Ngài không bẻ gẫy cây lau bị giập, chẳng nỡ tắt tim đèn leo lét” (Is 42, 2-3). Còn trong Tân Ước, thực tế cho thấy đức hiền hậu và khiêm nhường của Đấng Thiên Sai vượt xa các hình ảnh Cựu Ước cả ngàn lần, cụ thể: Ngay đời sống công khai, Chúa Giêsu đã không một lần cằn nhằn, cau có khi đám đông chen lấn Ngài tứ phía (x. Mc 6, 31b); với các môn đệ, Chúa Giêsu không chỉ giảng giải cho họ về các mầu nhiệm Nước Trời mà Ngài còn nhẫn nại với những lỗi lầm, cộc cằn nơi họ (x. Lc 9, 53-54); rồi khi kiện toàn Lề Luật, Chúa Giêsu đã thay thế sự căng thẳng, gay gắt bằng đức hiền hậu nhịn nhục, chấp nhận thua thiệt: “Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 39); “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44); hơn thế, Chúa Giêsu đã đến và kết thân với những người tội lỗi (x. Mt 9, 13) qua sự hối cải của người thiếu phụ Samaria, của Giakêu, giọt nước mắt sám hối của Phêrô khi chối Thầy,…

Khi suy đi gẫm lại đức hiền hậu và khiêm nhường nơi Chúa Giêsu, ta thấy Ngài không bao giờ nói: Hãy đến với tôi, vì tôi là Thiên Chúa toàn năng. Song Ngài nói: Hãy đến với tôi vì tôi cảm thương nỗi đau khổ của anh em, chấp nhận kiếp người để cùng anh em mang lấy ách Lề Luật, gánh lấy tội lỗi của anh em để giao hoà anh em với Thiên Chúa, và mở ra cho anh em con đường hạnh phúc là tâm hồn hiền hậu và khiêm nhường. Chính vì lẽ đó mà chúng ta thuộc trọn niềm tin vào Thiên Chúa qua việc quỳ gối xuống để dễ đưa lòng mình lên trời và nhận ra quyền năng của Người trên cuộc đời mình. Điều này đã được linh mục Balthasar gọi là “thần học bàn quỳ” khi toàn tâm toàn ý khiêm nhượng sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa và sống vị tha với tha nhân.

Thánh Phanxicô Saolê đã nói: “Đức hiền từ dịu dàng khiêm tốn là sức mạnh, là duyên nhị của các nhân đức. Không gì nêu gương sáng cho anh em bằng đức hiền hòa với mọi người”. Xin Chúa giúp chúng ta dẹp bỏ tính kiêu căng tự mãn, đố kỵ ganh ghét để biết kiên nhẫn lắng nghe cho lòng thấu hiểu yêu thương, biết nhún nhường để không kiêu ngạo, biết hiền hòa để ân huệ lớn lên, biết dễ quên để lòng tha thứ, biết từ tâm để rộng mở tình thương, và biết xót thương để niềm vui tròn đầy trong Mùa Vọng này. Amen.


Comments are closed.