[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5, 17-19″]
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TINH THẦN CỦA LỀ LUẬT
“Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18).
Không ai có thể trả lời cách chính xác luật lệ đã có từ khi nào. Nhưng luật lệ chỉ có khi con người xuất hiện trên thế giới này và nhằm để giữ xã hội loài người trật tự và phát triển. Một khái niệm về luật được nhiều người đồng ý: Luật là những quy tắc xử sự mà mọi người trong xã hội phải tuân theo. Mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia, mỗi nền văn minh, mỗi dân tộc đều có những bộ luật dành riêng cho cộng đồng của mình: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Các bộ luật dần hoàn thiện trong thời gian, theo sự phát triển của các nền văn minh và phức tạp hơn cả về nội dung lẫn hình thức của luật. Công lý và luật pháp loài người được xây dựng trên nguyên tắc Công Bằng: Mắt đền mắt, răng đền răng, hoặc tôi cho anh để được anh cho lại,… Kẻ có tội phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác người đó đã gây ra. Giữa một “rừng luật” trong xã hội hiện nay, con người vẫn biết luật lệ còn bất toàn và luôn tìm kiếm ý nghĩa đích thực của luật.
Điều cốt yếu của luật lệ không hệ tại ở việc nó được áp dụng rộng rãi hay không, được thi hành đúng mực hay chưa,… nhưng là luật có thực sự đặt nền tảng trên nhân vị hay không. Luật phải có tính bền vững và muốn được như thế, luật phải thực sự hữu ích cho cộng đồng chứ không phải chỉ nhằm mưu ích cho một thiểu số người nào khác. Những điều luật không còn hợp thời và hợp nhân đều phải bị loại bỏ và thay vào bằng những điều luật mới phù hợp hơn. Tìm về tận cùng ý nghĩa của lề luật, chúng ta nhận ra tinh thần của lề luật mà Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta trong bài Tin Mừng này. Ngài đến ban hành một tinh thần thực sự đem lại ơn cứu độ cho con người: Luật Yêu Thương. Tình Yêu phải trở nên quy tắc tối cao cho hết thảy những ai muốn hưởng ơn cứu độ, Tình Yêu phải là điều cốt lõi của tất cả luật lệ trên thế giới này, và “trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Luật Yêu Thương cũng không qua đâu”; điều luật này tồn tại cho đến khi “mọi sự đã hoàn tất” nghĩa là đến ngày sau hết, luật trở nên viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm chu toàn điều luật mới này, vì “ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã đến để ban cho chúng con một “Điều Răn” mới, đã tìm lại tinh thần của lề luật: Luật phải vì Tình Yêu, luật phải vì con người. Xin cho các nhà làm luật trên thế giới này biết tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của người dân mình, và ban ơn nâng đỡ để chúng con biết chu toàn trách nhiệm và bổn phận của mình trong tinh thần mới của luật, góp phần xây dựng xã hội này nên tươi đẹp hơn. Amen
[/loichua]