Thứ Tư sau Chúa Nhật 27 Thường Niên – Ngày 05/10/2016

Lời Chúa: Lc 11, 1-4

Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: “Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông”. Người nói với các ông: “Khi các con cầu nguyện, hãy nói: “Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”.


Suy niệm

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11, 1).

Kinh Lạy Cha là lời kinh mà chính Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ. Lời kinh ngắn gọn nhưng chứa đựng mọi tâm tư ước nguyện của mỗi người chúng ta thể hiện trong ba mối tương quan: Con người với Thiên Chúa, con người với nhau và con người với thiên nhiên.
Trước hết, Kinh Lạy Cha là một cuộc đối thoại giữa chúng ta là những người con gọi Thiên Chúa – Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng là “Cha” chúng ta. Trong cuộc gặp gỡ ấy, Thiên Chúa đầy nhân hậu và từ bi sẽ không chối bỏ những điều chúng ta nguyện xin, còn ta thì dâng lên Người mọi nỗi vui buồn sướng khổ trong cuộc sống cùng với ước nguyện cho “Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến”(Lc 11,2). Nhưng nhìn lại, con người ngày nay đang muốn “đẩy” Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình. Họ không chấp nhận một Thiên Chúa là Đấng Phán Xét Chí Công mà muốn mình là Chúa của chính mình: Được tự do làm những gì mình thích, được người khác tôn trọng và không chấp nhận bất cứ ai đụng chạm đến lợi ích của mình.

 

Bên cạnh đó, lời kinh cũng nhắc lại mối tương quan với tha nhân khi chúng ta phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của anh chị em mình thì mới đáng được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi của chúng ta. Vì “Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót, còn ai thương xót thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2, 13). Tha thứ cho người khác thật khó, nhất là trong thời đại mà người ta đang đặt “cái tôi” của mình lên hàng đầu.
Cuối cùng, Kinh Lạy Cha còn gợi cho chúng ta về mối tương quan giữa con người và thiên nhiên. Chúng ta xin Thiên Chúa ban cho chúng ta được “ ngày nào có lương thực ngày ấy ”(Lc 11,3). Điều này có ý nghĩa rằng mọi tác động của chúng ta vào thiên nhiên giúp nuôi sống chúng ta và những người được trao phó cho chúng ta. Để có được lương thực hàng ngày, con người phải lao động và hưởng dùng thành quả của việc lao động ấy cách xứng đáng. Nhưng vì lòng tham, con người muốn tích trữ cho mình thật nhiều tài nguyên và của cải đến nỗi thiên nhiên trở nên cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại, bệnh tật, nghèo đói và bất công có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Chính con người chúng ta đã làm mất đi ý nghĩa của Kinh Lạy Cha – Lời kinh Chúa dạy.

Lạy Chúa, xin soi sáng và đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần xuống tâm hồn chúng con, biến đổi cõi lòng và cải thiện các mối tương quan của chúng con; để chúng con luôn biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa, đến với Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống; để chúng con biết yêu thương tha nhân và tha thứ những lầm lỗi của anh chị em mình; và để chúng con biết xây dựng ngôi nhà chung là thế giới này nên tươi đẹp hơn. Amen


Comments are closed.