Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 4/11/2022

Lời Chúa: Lc 16,1-8

Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”. Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”. Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?”. Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?”. Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”. Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”.

 


Suy niệm

HÃY LO TÌM HẠNH PHÚC VĨNH CỬU

“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16,8).

Sống ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát có một tương lai tốt đẹp, một hạnh phúc viên mãn. Và để đạt được ước vọng trên, mỗi người chúng ta đã và đang tận dụng mọi khả năng Chúa ban để giành lấy cho mình phần thưởng cao quý này.

Tuy nhiên, cuộc sống đâu êm đềm như ta nghĩ. Đó cũng chính là tình trạng éo le của viên quản lý bất lương trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe. Khác với những lần được triệu tập trước đây, lần này viên quản lý được ông chủ gọi lên để hoàn tất phần sổ sách đang còn dang dở trước khi ông bị cách chức. Thấy trước ‘cơn cuồng phong’ sắp ập đến, viên quản lý đã đánh liều sử dụng quyền hạn cuối cùng của mình. Mượn danh ông chủ, viên quản lý đã lén lút gặp gỡ và quyết định giảm bớt các khoản nợ cho các con nợ. Chính hành động ‘vượt quyền’ có phần táo bạo này đã tạo ra một tia hy vọng cho tương lai mù mịt của ông. Đó chính là sự khôn khéo theo kiểu thế gian, còn chúng ta là con cái ánh sáng, chúng ta đâu thể xử sự theo kiểu ‘lấy mục đích để biện minh cho phương tiện’. Vậy, sứ điệp mà Chúa muốn nói với chúng ta là gì?

Dừng lại một chút để ngẫm suy, hẳn chúng ta sẽ nghiệm ra muôn ơn lành mà Chúa đã thương tuôn đổ trên cuộc đời của mỗi người. Chúa ban ân sủng để chúng ta sử dụng cho đúng mục đích. Không ai khác, rất có thể chính chúng ta là những ‘viên quản lý bất lương’ mỗi khi chúng ta chểnh mảng trong các việc bổn phận, phung phí thời gian vào những chuyện vô bổ, dây mình vào những thứ gây tổn hại sức khỏe, lỗi đức khó nghèo khi sử dụng của cải vật chất. Những lúc ấy, chúng ta hãy biết run sợ khi nghĩ tới viễn cảnh phải đối diện với Chúa vào ngày Chung Thẩm. Đứng trước Thánh Nhan Chúa, hẳn chúng ta sẽ cảm nghiệm được những lời ông Gióp đã từng thốt lên khi xưa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng” (G 1,20). Lúc đó, Chúa sẽ căn cứ vào điều gì để xét xử chúng ta? Chắc chắn, Chúa sẽ không nhìn vào địa vị, chức vụ hay công kia việc nọ chúng ta đã làm được, đúng hơn, Người sẽ căn cứ vào tình yêu mà phán định số phận đời đời của chúng ta, như lời thánh Augustinô đã nói: “Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ” (GLHTCG, 1829).

Lạy Chúa, đứng trước những cơn cám dỗ đạt được hạnh phúc chóng qua của thế gian, xin cho mỗi người chúng con biết khôn ngoan dành ưu tiên “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Amen.


Comments are closed.