[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 19, 31-37″]
31 Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32 Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. 33 Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34 Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35 Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36 Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37 Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THÁNH TÂM – NGUỒN TÌNH YÊU
“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).
Kinh Thánh sử dụng những từ ngữ, cách thức hết sức gần gũi để mô tả tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại tội lỗi và bội phản. Thiên Chúa như người chồng kiên nhẫn và quảng đại với người vợ bất trung (Hs 1:16tt; 11:8-9); như người mẹ dành trọn tình yêu, tâm tư để lo lắng, dưỡng dục con cái: Ta đã yêu nó…đã tập đi…đã đỡ cánh tay nó…Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má…cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn (x. Hs 11:1.3-4); thậm chí cho dù cha mẹ có quên con cái mà mình mang nặng đẻ đau, thì Thiên Chúa, Ngài cũng chẳng quên ta bao giờ (x. Is 49:15). Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người “thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật…tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13:4-7). Khi nói về tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình, Đức Thánh Cha đã diển tả: “tình yêu được sống và vun trồng trong cuộc sống mà hằng ngày đôi vợ chồng và con cái họ cùng chia sẻ ”. Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Đức Phanxicô đã mời gọi các gia đình hãy đưa khuôn mẫu của tình yêu Thiên Chúa vào trong chính cuộc sống gia đình để làm cho Tin Mừng về hôn nhân và gia đình được tỏa sáng (x. AL, 89-122).
Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện xin ơn thánh hóa các linh mục. Thật vậy, linh mục là cho Giáo Hội và vì Giáo Hội. Căn tính và sứ vụ của linh mục hoàn toàn gắn kết cách mật thiết với Đức Kitô. “Theo góc độ bí tích, các linh mục, đại diện cho Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử, công bố Lời Chúa một cách chính danh, lặp lại những cử chỉ tha thứ và ban ơn cứu độ, nhất là qua các bí tích Rửa Tội, Thống Hối và Thánh Thể, các ngài bày tỏ sự ân cần lo lắng đầy tình yêu, đến độ trao hiến trọn vẹn chính mình cho đoàn chiên mà các ngài qui tụ lại làm một và dẫn đến Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần ”. Và như vậy, các ngài được mời gọi sống đức ái mục tử như chính Chúa đã sống, là lấy “máu và nước” (Ga 19:34) từ chính trái tim của mình cho ràn chiên; được mời gọi hòa nhịp với tâm thức của Đức Kitô, Linh mục Thượng phẩm: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs11:8). Nhờ đó, ngài có thể sống hết mình cho sứ vụ: quảng đại hy sinh cho đàn chiên, đi tìm những chiên đi lạc, nâng dậy những chiên vấp ngã, chữa lành những chiên thương tích…
Xin cho các gia đình biết củng cố và đào sâu tình yêu hôn nhân gia đình trong tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, để từng thành viên cảm được Niềm vui của Tình yêu. Xin cho các linh mục, nhờ “bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái” (Ep 3:17), “các ngài trở nên hình ảnh đích thật, sống động và trong suốt của Chúa Kitô Linh mục ”; từ đó các ngài có thể mang lấy tình yêu và lòng thương xót của Vị Mục Tử nhân lành đến cho mọi người.
[/loichua]