Thứ Bảy Tuần X Mùa Thường Niên – Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ – Ngày 12-06-2021

Lời Chúa: Lc 2,41-51

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.

Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”.

Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng. 

 


Suy niệm

NGÔN NGỮ CỦA TRÁI TIM

“Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng” (Lc 2,51)

Trong khi cử hành các mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô theo chu kỳ Năm Phụng vụ, Giáo hội tôn kính Đức Trinh nữ Maria – Đấng là thụ tạo trổi vượt trên các thụ tạo. Nơi cung lòng của Mẹ, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Mẹ mở tâm hồn, lắng nghe và quy phục mầu nhiệm Thiên Chúa. Trái tim của Mẹ vâng nghe Trái tim Con của Mẹ, Mẹ “ghi nhớ những việc đó trong lòng”.

Mừng lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, Giáo hội trích đọc đoạn cuối trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu trong Tin mừng theo thánh Luca. Khung cảnh được nhắc đến là Đền thờ Giêrusalem, lúc Chúa Giêsu lên mười hai tuổi. Đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu “lên tiếng” trong vai trò là “nhân vật chính”; cung cách của Người đã gây ra một sự “khó hiểu”. Thánh Luca ghi lại nguyên văn câu nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Đây là câu hỏi để trả lời cho câu hỏi: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” Qua cuộc đối thoại này, thánh Luca ghi nhận: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Có một chướng ngại giữa Chúa Giêsu và cha mẹ Người. Chỉ khi được đọc lại dưới ánh sáng Phục Sinh, những lời “khó hiểu” của Chúa Giêsu mới được sáng tỏ. Đó là lời mời gọi vượt lên trên bình diện của những lo toan đời thường, để vươn tới Thiên Chúa, là lời phát xuất từ Tâm hồn ưu tư việc bổn phận ở nhà của Cha. Đức Maria đã đón nhận và suy niệm những lời ấy. Tâm hồn Mẹ nên một với Tâm hồn Con của Mẹ.

Mẹ Maria đã sống âm thầm trong sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ không vênh vang về đặc ân của Mẹ, Mẹ chìm trong thinh lặng. Sau những trình thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các Tin mừng rất ít nói về Mẹ. Mẹ Maria chỉ xuất hiện khi cần, Mẹ hiện diện để phục vụ. Điều này được thấy rõ trong tiệc cưới Cana. Nơi đó, hình ảnh trung thực về vai trò của Mẹ được làm sáng lên. Nơi đó, tác giả Tin mừng Gioan ghi nhận sự can thiệp kín đáo của Mẹ. Mẹ nhanh nhạy nhìn ra nhu cầu của người khác, Mẹ khéo léo sắp xếp ổn thoả, Mẹ tin tưởng vào Con của Mẹ (x. Ga 2). Đó là hành động của một tâm hồn mở ra trong mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu như lời nói và hành động là phương thế đơn giản nhất để con người mở ra với nhau thì nơi Mẹ Maria, thinh lặng và suy gẫm lại là cách thế tối ưu để tâm hồn được rộng mở. Đó là ngôn ngữ của trái tim.

Mẹ Maria đã tự nguyện để cho trái tim của Mẹ được đổ đầy mầu nhiệm Thiên Chúa. Trong thinh lặng và suy gẫm, Mẹ đón nhận mọi biến cố bằng đức tin mạnh mẽ. Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo đã sống đời suy niệm và chiêm ngắm Ngôi Hai Thiên Chúa. Mẹ mời gọi chúng ta quảng đại dâng hiến bản thân, luôn bận tâm bồi dưỡng và phát triển mối thân tình với Đức Giêsu Kitô, Con lòng Mẹ.

Mừng lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ, xin cho mỗi người biết chăm sóc tâm hồn mình, luôn biết thổn thức và mở ra trong mầu nhiệm Thiên Chúa, khao khát hưởng nếm hạnh phúc Thiên Đàng, sống tình hiệp thông trong Hội Thánh, và dâng hy sinh cầu nguyện cho các linh hồn.


Comments are closed.