Thứ Sáu Tuần I Thường Niên – Ngày 14/01/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 2,1-12″]

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THAY ĐỔI LỐI SỐNG KHI NHÌN NHẬN DẤU LẠ GIÊSU

.

Nơi Tin Mừng Maccô, Caphacnaum là khởi điểm các cuộc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu tại miền Galilê. Chính nơi đây, Ngài đã từng chữa nhiều người ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều qủy. Thế nên, sự ái mộ mà dân chúng dành cho Ngài là điều dễ hiểu. Khi biết Ngài trở về, họ lũ lượt kéo đến để xin ơn và nghe Ngài giảng. Họ tụ tập đông đảo đến nỗi cửa cũng chẳng còn lối vào. Dù đã từng chứng kiến các dấu lạ Đức Giêsu đã làm nhưng kết thúc trình thuật Tin Mừng hôm nay, họ tiếp tục sửng sốt, ngỡ ngàng trước phép lạ Ngài làm cho người bại liệt vì vẫn chưa thể hiểu thấu Ngài là ai?

Nhìn từ khía cạnh Đức Giêsu Kitô là đích điểm, có thể nói toàn bộ Cựu Ước mở ra một con đường dẫn đưa con người đến gặp gỡ và ở với Đức Kitô, Đấng đã dùng thập giá như là chiếc chìa khóa mở cho nhân loại vào cõi sống trường tồn, Đấng đã dùng quyền để phục vụ con người: chữa mọi thứ bệnh tật về phần xác và ban ơn tha tội về phần hồn. Thế nên, dù người bại liệt chưa một lời kêu xin nhưng ngài cũng đã chữa khỏi. Dấu lạ này không chỉ nêu cao tầm quan trọng của sự hỗ tương giữa đức tin cộng đoàn với đức tin cá nhân, mà điều quan trọng hơn là nhấn mạnh tình yêu vô hạn và siêu vượt trong sứ vụ của Chúa Giêsu nơi trần gian. Nơi Giêsu tình yêu, những dấu lạ thế này chỉ là những điều rất thường thôi.

Nhưng tiếc thay, việc đón nhận Lời thì không ai giống ai: bên cạnh những tâm hồn rộng mở đón nhận hạt giống Lời, vẫn còn đó những cái tôi trong thực tại lớn hơn ,khiến có những con người luôn có thái độ vặt lá tìm sâu. Mà đã dày công vặt lá thì cơ may thấy sâu là rất cao. Những người Pharisêu và các thầy thông luật đã đi vào vết xe đổ đó. Bởi vì họ đã quen sống trong những luật lệ mang tính hình thức nên khi Đức Giêsu, Đấng là Dấu Lạ đến sống cho họ và vì họ thì họ lại chối từ. Khôn ngoan phần xác sẽ tan nát phần hồn. “Hỡi con, tội con đã được tha” (Mc 2,4) là nguyên cớ gây vấp phạm cho họ. Tâm hồn họ tỏ ra cứng cỏi. Họ lý luận về hai khía cạnh: nếu ông ta tự coi mình là Thiên Chúa, khi nói lời tha tội thì đây là một thái độ tự kiêu, ngạo ngược và phạm thượng; hơn nữa, làm sao mà ông này có quyền tha tội? Và cho dù có như thế đi chăng nữa, khi ông này nói rằng sự tha tội có thể chữa lành bệnh tật thì quả là một kỳ vọng còn phi lý hơn!

Có lẽ chúng ta không nên vội kết án gắt gao về thái độ và sự cứng tin của các biệt phái năm xưa. Bởi lẽ trong hôm nay, dấu lạ Giêsu vẫn thường hằng trong môi trường sống của chúng ta: những lời chỉ dẫn của bề trên, những sự góp ý thiện tình, gương sống của một ai đó, hoặc sự phục vụ âm thầm của bao người để cho ta có cơ hội yên tâm tu luyện, đặc biệt hơn nữa là phép lạ cả thể trên bàn thờ mỗi ngày mang lại cho ta sự sống đời đời, … Vậy mà chúng ta có thực sự xác tín và nhận ra đó là dấu lạ Chúa đang thực hiện trên cuộc đời và cho ta?

Trước Thiên Chúa, ai cũng là tội nhân. Cuộc đời của chúng ta nhiều khi không bị đau bệnh phần xác như người bại liệt trong bài Tin Mừng, nhưng chắc chắn trong tâm hồn, nhiều khi chúng ta cũng mắc phải những thứ bại liệt khác: là khi chúng ta rẻ rúng tài năng với sự cố gắng cật lực của người khác; bại liệt khi chúng ta có những cái nhìn phân biệt, ghen tỵ, thiếu sự liên đới huynh đệ với đồng môn. Bại liệt khi chúng ta thờ ơ với Chúa trong khi thời gian và khả năng Chúa ban cách cá vị cho chúng ta rất dồi dào.

Những lúc như thế, chúng ta hãy xin Chúa đụng chạm và chữa lành, để chúng ta được nên sạch. Nguyện xin tình yêu và quyền năng của Chúa mãi xoa dịu những cơn đau trong cuộc sống của chúng ta.

[/loichua]

Comments are closed.