Thứ Năm Tuần I Thường Niên – Ngày 13/01/2022

Lời Chúa: Mc 1, 40 – 45

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

 


Suy niệm

CHẠNH LÒNG THƯƠNG

Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1, 41).

Thỉnh thoảng, trên các trang mạng xã hội và báo chí, người ta lên án gay gắt một lối sống dửng dưng, lãnh đạm với tha nhân. Thí dụ, khi nhìn thấy một người gặp tai nạn, nhiều người phản ứng kiểu : bu lại đứng xem, chụp hình đăng facebook, livestream để câu like… mà quên một điều quan trọng là cứu giúp nạn nhân. Ngược lại với lối sống dửng dưng đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta một lối sống chạnh lòng thương theo mẫu gương Chúa Kitô.

Đoạn trích Tin Mừng theo thánh Máccô thuật lại câu chuyện của một bệnh nhân phong cùi đến xin Chúa chữa lành. Lời cầu xin của người bệnh phong : “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch” (Mc 1, 40), là một lời cầu xin thật đẹp vì anh đã phó thác vận mạng cho ý muốn của Thiên Chúa và tin tưởng rằng Ngài biết điều gì tốt nhất cho bản thân mình. Nhưng hơn thế, thái độ của Chúa Giêsu còn tuyệt vời hơn gấp bội : Chạnh lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh” (Mc 1, 41). Người Do Thái xưa cho rằng bệnh phong xuất phát từ tội lỗi, là biểu tượng của sự chết và bị xem là ô uế. Vì thế, người bệnh phong không chỉ đau khổ về thể xác nhưng còn rất đau khổ về tinh thần. Thấu cảm với tất cả những gì người bệnh phong đang phải chịu đựng, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Chạnh lòng thương là không xa lánh, không làm lơ, không đóng mình lại nhưng thấu hiểu và đồng cảm. Giơ tay ra, Chúa Giêsu đã bước ra khỏi chính mình, bước ra khỏi sự an toàn của bản thân để đến với tha nhân. Và với hành động đụng chạm vào người bệnh phong, Ngài đã vượt trên sức mạnh của tội lỗi, vượt qua rào cản của luật lệ thanh sạch để cứu vớt, chữa lành và ban lại cho người bệnh phong một sức sống mới và một nhân phẩm mới.

Thế giới xung quanh chúng ta còn rất nhiều những người đau khổ đang chờ đợi chúng ta “chạnh lòng thương”, “giơ tay ra”, “đụng chạm” đầy tình yêu, giống như Chúa Giêsu đã làm. Những người đó không ai xa lạ, nhưng là chính những thân nhân trong gia đình, là hàng xóm láng giềng, là những người chúng ta gặp gỡ trong môi trường sống và làm việc. Hành vi cụ thể có giá trị thuyết phục hơn những lời nói hoa mỹ. Quả thật, chúng ta được mời gọi thắng vượt sự sợ hãi và ngại ngùng khi đứng trước lời cầu xin của những ai đau khổ. Tình yêu mà Chúa Giêsu thể hiện cho người bệnh phong là mẫu gương và động lực giúp chúng ta vượt lên mọi trở ngại để thực hiện những cử chỉ thân ái.

Ước mong sao mỗi người trong chúng ta mặc lấy tâm tình của Chúa, biết chạnh lòng thương trước những đau khổ của tha nhân, biết giơ tay ra đón lấy những người cô quạnh, biết đụng chạm để chữa lành những ai tổn thương.

Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh và sự can đảm, ngõ hầu mỗi người trở nên khí cụ của tình yêu Chúa.


Comments are closed.