Thứ Sáu Tuần I Mùa Thường Niên – Ngày 15-01-2021

Lời Chúa: Mc 2,1-12

Sau ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: “Hỡi con, tội lỗi con được tha”. Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa”. Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: “Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: “Tội lỗi con được tha” hay nói: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi”, đàng nào dễ hơn? Nhưng để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất”. – Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ”.

 


Suy niệm

THA TỘI, HỒNG ÂN TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA

“Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: Hỡi con, tội lỗi con được tha”(Mc 2,5)

“Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16) và vì yêu mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người nhưng tội lỗi đã xúc phạm đến Thiên Chúa và tình yêu Người dành cho nhân loại. Việc tha thứ tội lỗi làm nổi bật hồng ân tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người (x.GLCG 734).

Theo quan niệm Do Thái, bệnh tật và tội lỗi có mối liên hệ với nhau (x. Ga 9,2) như trường hợp người bất toại trong bài Tin Mừng. Bất toại là hình bóng của tội lỗi đang thống trị trên thân xác anh. Do đó trước mắt nhiều người, anh là kẻ tội lỗi và không lạ gì họ để bốn người khiêng anh dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Chúa Giêsu ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bất toại nằm trên chõng xuống (x. Mc 2,4). Tuy nhiên, vì “lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8) nên Chúa Giêsu đã nhìn và Người không chỉ thấy một con người bất toại đầy tội lỗi bị nhưng Người còn thấy một tai họa mà người đời gánh chịu, một hậu quả của tội lỗi, một sức mạnh của quyền năng Satan trên loài người (x. Lc 13,16). Đặc biệt, Người còn thấy sâu thẳm trong tâm hồn người bất loại là “một tấm lòng tan nát giày vò” (Tv 51,19) vì những tội lỗi anh phạm và không thể nói nên lời.

Nếu sự im lặng của người bất toại là cách thức biểu lộ hành vi sám hối từ con tim, thì cũng trong thinh lặng anh đã nghe được lời yêu thương của Thiên Chúa: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2,5). Chắc hẳn đây là lần đâu tiên anh nghe được lời này vì không “ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,6). Lời này có ý nghĩa đặc biệt với anh, nó đi vào trái tim anh, chạm tới anh và biến đổi anh. Qua hành động của những người thân hữu đã giúp người bất toại cảm nhận được tình yêu và giúp anh ăn năn sám hối về tội mình đã phạm; nhưng qua lời tha tội của Chúa Giêsu, anh được giải thoát khỏi tội và biết mình là người được Thiên Chúa yêu. Để minh chứng cho quyền năng tha tội, Chúa Giêsu đã chữa lành người bất toại, cho anh đi được, nhờ đó, anh được hiệp thông lại với cộng đồng. Việc chữa lành người bất toại là bằng chứng xác thực cho thấy Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của anh. Cách đặc biệt, qua việc tha tội và chữa lành cho người bất toại, Chúa Giêsu mạc khải sự toàn năng của Thiên Chúa và tình yêu của Người lớn hơn tội lỗi của con người.

Là những chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, người Kitô hữu tin “trong Chúa Giêsu, con người được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi”(Cl 1,14). Đức tin này thúc đẩy người tin hữu thay đổi và mặc lấy những tâm tình Chúa Kitô (x. Rm 13,14) là tha thứ và yêu thương. Không hẳn ai cũng có năng quyền tha tội nhưng Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết mỗi người có khả năng tha thứ “đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Không hẳn ai cũng có khả năng chữa lành bệnh tật nhưng Chúa Giêsu dạy hãy yêu thương và cầu nguyện cho đồng loại (x. Mt 5,44). Chỉ có sự tha thứ mới hòa giải tất cả và chỉ có yêu thương là phương thuốc xoa dịu mọi độc dược của hận thù, là cách duy nhất để hàn gắn các tương quan.

Thánh Giacôbê tông đồ nói: “Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15). Xin cho mỗi người biết dùng lời cầu nguyện để giúp đỡ anh em đang trượt dài trên đường tội lỗi biết quay về với Chúa để đón nhận sự tha thứ.


Comments are closed.