Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 22/04/2022

Lời Chúa: Ga 21,1-14

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các anh, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi chỗi dậy từ cõi chết. 

 


Suy niệm

NHẬN RA SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA PHỤC SINH TRONG ĐỜI

.

Mùa phục sinh là thời gian Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Chúa sống lại từ cõi chết. Chúa sống lại trong thân xác vinh hiển và Ngài có thể hiện diện bất cứ lúc nào và bất cứ đâu Ngài muốn. Những dấu chỉ từ ngôi mộ trống, từ những lần hiện ra minh chứng cho ta điều đó. Cuộc sống quanh ta cũng có rất nhiều dấu chỉ giúp nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Vậy đó là dấu chỉ nào và làm sao để nhận ra Chúa qua những dấu chỉ đó?

Trong Bài Tin Mừng, chúng ta thấy một tiến trình nhận ra Chúa của các môn đệ. Ban đầu các ông không nhận ra Chúa vì niềm tin yêu kém vào Chúa, vì trong trí các ông lúc đó không còn là những lời giáo huấn của Chúa, nhưng toàn là những lo toan công chuyện đánh bắt cá. Chỉ khi các ông được chứng kiến mẻ cá đầy, các ông mới nhớ lại mẻ cá quen thuộc mà Chúa đã cuốn hút các ông vào những ngày đầu tiên được biết Chúa. Thánh Gioan là người đầu tiên nhận ra Chúa khi thốt lên: “Chúa đó!”, và ngay sau đó Thánh Phêrô và các môn đệ khác cũng bừng tỉnh niềm tin và nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện.

Cuộc đời Kitô hữu cũng là một hành trình tìm kiếm để nhận ra Chúa. Nhưng thật khó để nhận ra, nếu chúng ta không dành thời gian cầu nguyện để ôn lại những kỉ niệm thân thương với Chúa, để lắng nghe sự gợi ý của Chúa. Và sẽ không thể nào nhận ra Chúa, nếu ta cứ ở lì trong tình trạng tội lỗi, bị danh lợi thú làm mờ mắt đức tin.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường nghe thấy lời nhắc của thánh Gioan vang vọng: “Chúa đó!”. Quả thật, Chúa ở đó nơi những người sống xung quanh chúng ta, Chúa ở đó qua sách vở mà ta đọc hằng ngày, qua khí oxi mà chúng ta hít thở, qua lương thực mà chúng ta hưởng dùng, qua cảnh quan môi trường mà chúng ta chiêm ngắm….Những tiếng vang đó có chạm vào tâm trí ta? có giúp ta nhận ra Chúa?

Thánh Inhaxio đấng sáng lập dòng Tên đưa ra cho chúng ta bí quyết nhận ra Chúa trong cuộc đời. Theo đó, có hai phương thức có thể nhận ra Chúa: cách thứ nhất đòi ta có cái nhìn phản tỉnh về những sự việc xảy ra trong ngày để nhận thấy Chúa trong những điều đó. Cách cầu nguyện này được gọi là xét mình. Cách thứ hai là việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng bằng hình ảnh và giác quan trong cầu nguyện.

Chúng ta thử dừng lại ở cách thứ hai, bằng trí tưởng tượng, ta đặt mình vào bối cảnh Tin Mừng, ta cùng tham gia đánh cá với các môn đệ trên biển hồ Tibêria, cùng với các môn đệ cảm nhận niềm vui về mẻ cá lạ lùng, nhất là hiện diện trong bữa ăn trên bãi biển cùng với Chúa Phục Sinh. Để qua đó lắng nghe tiếng Ngài, chiêm ngưỡng hình dáng của Ngài. Từ đó, ta có thể biết Chúa Giêsu cách mật thiết hơn, để ta có thể bước vào mối tương quan cá vị với Ngài trong cuộc sống hằng ngày.

Quả thật, bằng sự khiêm nhường trong cầu nguyện, bằng lắng nghe và chú ý, bằng đời sống thân tình với Chúa mọi lúc mọi nơi, chúng ta mới có thể nhận ra Chúa luôn hiện diện với ta, và luôn yêu thương ta. Khi cảm nhận được như thế, chúng ta sẽ ý thức sống thánh từng giây phút hiện tại. Chính tình yêu và sự hiện diện của Chúa sẽ nâng ta dậy mỗi khi ta vấp ngã trong cuộc sống.

Hằng ngày, Chúa Giêsu Phục sinh vẫn luôn xuất hiện trong cuộc đời chúng ta qua những cử chỉ yêu thương, gần gũi. Nguyện xin Thánh Gioan và Thánh Inhaxio chuyển cầu với Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được tình thương Chúa, để ta luôn nỗ lực tìm gặp Ngài trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.


Comments are closed.