Thứ Sáu Tuần 32 Thường Niên – Ngày 13/11/2020

Lời Chúa: Lc 17, 26-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người. Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

“Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại”.

Các môn đệ thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?” Người phán bảo các ông: “Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó”.

 


Suy niệm

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

“Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.” (Lc 17,30)

Trong bối cảnh của những tuần cuối niên lịch phụng vụ, phụng vụ Giáo hội hướng lòng trí chúng ta về viễn tượng cánh chung, về ngày Con Người đến lần thứ hai để phán xét mọi sự, qua đó mời gọi chúng ta có thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa trong đời sống hằng ngày.

Cụ thể, trong bài Tin mừng, bằng việc kể lại hai sự kiện lịch sử thời Cựu ước: sự kiện ông Nôê và ông Lót (x. Lc 17, 26tt), Đức Giêsu hướng lòng trí chúng ta đến ngày Người trở lại trong vinh quang, để phán xét toàn cõi địa cầu. Đây là một đạo lý quan trọng của đức tin Kitô giáo. Niềm tin này nhắc nhớ chúng ta về tương lai và cùng đích của đời mình (x. Lc 17,37). Và với nhãn quan tích cực, niềm tin này hướng chúng ta đến một biến cố cứu độ, trong ngày Thiên Chúa thiết lập vĩnh viễn Vương triều của Ngài, ngày Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ mà Ngài đã khởi sự, hơn là những hình ảnh kinh hoàng của ngày tận thế.

Hơn nữa, Giáo hội còn dạy rằng, sự mong chờ hạnh phúc ở thế giới bên kia không cản trở, nhưng trái lại, kích thích chúng ta dấn thân kiến tạo thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Nghĩa là niềm tin về hạnh phúc đời sau của Giáo hội, không bao giờ tách rời khỏi những đòi hỏi của luân thường đạo lý. Đó là điều mà Đức Giêsu đã yêu cầu khi công bố sứ điệp về Nước Thiên Chúa: “Hãy sám hối và tin” (Mc 1,15). Cách ngắn gọn, giá trị của cuộc sống hôm nay, luôn đặt trong tương quan với niềm hạnh phúc viên mãn trong ngày Chúa đến.

Chính niềm tin này đòi hỏi chúng ta có một thái độ tỉnh thức và sẵn sàng trong cuộc sống. Thái độ này, trước tiên, được thể hiện qua việc chúng ta biết đặt lại mục tiêu và cùng đích của cuộc đời mình, chính mục tiêu này sẽ chi phối mọi hoạt động cũng như mọi chọn lựa của chúng ta trong cuộc sống, vì: “Xác ở đâu, diều hâu tụ đó” (Lc 17,37). Thứ đến, thái độ tỉnh thức và sẵn sàng, còn được hiểu là luôn “sống dưới cái nhìn của Chúa và tìm kiếm Thánh Nhan Ngài”, là sống bổn phận trong giây phút hiện tại, và nói theo tâm tình của ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sẽ sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”, vì ở đâu có tình yêu thương, thì ở đó có Chúa hiện diện (x. 2 Ga 9), mà ở đâu có Chúa hiện diện, thì ở đó là Nước Trời, là Thiên Đàng.

Tác giả Đường Hy Vọng cũng đã nói: “Bổn phận là giấy vào Nước Trời” (ĐHV, 27). Xin cho chúng ta luôn biết tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa, qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày với đầy tình yêu thương, vì xác tín rằng: “Bổn phận là ý Chúa trong giây phút hiện tại” (ĐHV, 17).


Comments are closed.