Thứ Sáu Tuần 25 Thường Niên – Ngày 25/09/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 9,18-22″]

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những đám dân chúng bảo Thầy là ai”. Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”. Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC KITÔ LÀ AI? VÀ TÔI LÀ AI?

Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”(Lc 9,20)

Con người ngày nay có thật nhiều nỗi sợ hãi. Song có lẽ, nỗi sợ hãi phổ biến nhất chính là sự sợ hãi khi nhìn nhận sự thật về mình. Do sợ đối diện với con người thật của mình nên câu hỏi “Tôi là ai?” vừa trở nên một thách đố nhưng lại là nỗi khát mong đeo bám tâm trí của con người mọi thời. Suốt cuộc đời trần thế, Đức Giêsu cũng phải đối diện với câu hỏi này. Vậy Đức Giêsu là ai?

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta vẫn tuyên xưng: Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa Cha…Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã thai sinh trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Chính bối cảnh của đoạn Tin Mừng mà cộng đoàn vừa nghe giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căn tính đích thực của Đức Giêsu. Tuy thánh Luca không nói rõ địa điểm nhưng theo truyền thống Nhất Lãm thì đó là đỉnh núi ở Cêzarê Philipphê, một ngọn núi ở cực bắc của Israel và là nơi gặp gỡ của nhiều sắc tộc. Chính tại nơi đây, Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ cách riêng và muôn dân biết: Ngài là ai? Biến cố này được thánh Luca đặt ngay ở đoạn giữa cuốn Tin Mừng của mình, ngay sau hành trình rao giảng và trước hành trình lên Giêrusalem chịu chết. Đoạn Tin Mừng đầy hữu ý đã trở nên bước ngoặt quan trọng để người ta nhận diện được con người thực của Đức Giêsu.

Nếu qua cuộc Nhập thể hay những năm sống ẩn giật tại Nazareth là cách Chúa Giêsu thể hiện rõ nét căn tính “là” người thì dọc dài hành trình rao giảng, qua những phép lạ và biết bao lần tự mạc khải trở nên khoảng thời gian Ngài tỏ bày cách tiệm tiếm về căn tính “là” Thiên Chúa. Nơi Ngài, cả hai bản tính không phân chia, không tách biệt hoặc lẫn lộn nhưng được hòa quyện với nhau để trở nên một. Nơi Ngài, không có nước đôi, lúc là người lúc là Thiên Chúa, lúc sống như phàm nhân lúc thể hiện như Thiên Chúa. Song, tất cả chỉ là một con người duy nhất, vừa là người vừa là Thiên Chúa.

Chính Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Nhưng trong mắt các ông cũng như dân tộc mình, chỉ có một Đức Giêsu là Thiên Chúa, một Con Người đầy quyền năng trên thiên nhiên và ma quỷ, một Vị Ngôn Sứ không phải chết và đau khổ, một Vị Vua sẽ giải thoát dân tộc bằng sức mạnh quân sự và chiến tranh. Tuy vậy, Phêrô lại không muốn nhìn thấy một Thiên Chúa là người, một Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa phải chịu đau khổ và chịu chết tủi nhục trên thập giá như tên tử tù, một Đấng Messia chỉ ngồi trên lưng lừa và đến trong hòa bình. Tất cả là điều không thể, không được chào đón và khó chấp nhận. Ấy vậy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi con đường ấy, tiếp tục mặc khải cho nhân loại về một Thiên Chúa là người.

Đời người Kitô hữu giống như một hành trình lên Giêrusalem, và trong hành trình ấy Thiên Chúa muốn mỗi người phải nên một con người tốt và một Kitô hữu nhiệt thành. Và khi sống trọn sứ mạng ấy, chính là lúc ta tự trả lời câu hỏi: Tôi là ai? Giờ đây, tôi có thể đang là một linh mục, một cha giáo, một chủng sinh, một nữ tu, một nhân viên phục vụ hay là một giáo dân bình thường. Vậy, việc sống trọn căn tính không gì khác hơn là việc ta sống đúng căn tính Kitô hữu của mình. Chính vì không sống đúng căn tính của mình, thánh Phaolô nhắc bảo tín hữu Côrintô: Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ? … Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? (1Cr 12,29). Trái lại, sống trọn căn tính là nhận thức rõ được vị thế và chu toàn tốt nhất sứ mạnh được trao. Như câu tâm niệm nổi tiếng của thánh Augustinô: “Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu.”

Suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu hằng luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha để sống trọn vẹn căn tính của mình. Xin cho mỗi chúng ta cũng được bắt chước gương mẫu ấy để luôn nhận thức rõ được sứ mạng được trao và sống trọn vẹn căn tính của mình trong từng môi trường sống.

[/loichua]

Comments are closed.