Thứ Sáu trong Mùa Giáng Sinh – Năm B

 [event]Thánh Basiliô Cả, Thánh Grêgôriô Nazianzênô [/event]

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 1,19-28″]

Ðây là chứng của Gioan, khi những người Do thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các Thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?” Gioan trả lời: “Tôi không phải là Elia”. “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”. Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không là Elia, hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng đó đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Betania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

 [/loichua]

[loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

 Giáo lý Phật Giáo có kể lại rằng: Vào một đêm trăng, Thích Ca ngồi giữa các đệ tử, ngài lấy ngón tay chỉ mặt trăng và nói: “Kia là mặt trăng. Cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy, nhưng đừng tưởng ngón tay của ta là mặt trăng”. Đức Phật không tự nhận mình là Chân Lý, nhưng chỉ là ngón tay chỉ đường dẫn tới Chân Lý. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay tương tự như câu chuyện “ngón tay và mặt trăng” ngày nào, khi Gioan Tẩy Giả cũng phủ nhận mình không phải là Đấng Messia dân Do Thái mong đợi, nhưng chỉ là người đi trước, người dọn đường, là tiếng kêu cho Đấng đến sau, nhưng trổi vượt hơn Ngài vì có trước Ngài. Bằng việc nói tiếng KHÔNG về mình: “Tôi không phải là Ðấng Kitô”, “Tôi không phải là Elia”, “Tôi không phải là Tiên Tri”, Gioan Tẩy Giả đã làm nổi bật chân dung của Chúa Giêsu, Đấng đến sau nhưng có trước ông. Nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng có trước mình, Gioan Tẩy Giả muốn minh chứng cho mọi người biết chính Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà họ đang trông chờ. Với tấm lòng khiêm nhường, Gioan Tẩy Giả không nhận về mình những danh dự mà những người đương thời gán cho ông. Dù là một con người có sức thu hút, Gioan Tẩy Giả không níu giữ mọi người cho mình, nhưng ông đưa mọi người đến với Chúa Giêsu, Đấng là Chân Lý đích thực. Ông nhận mình chỉ là “tiếng kêu” trong hoang địa, còn Chúa Giêsu mới là “Lời”, tuy xuất hiện sau ông nhưng đã có ngay từ lúc khởi đầu (x. Ga 1,1). 

 Noi gương Gioan Tẩy Giả, mỗi người kitô hữu chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng một đời sống khiêm nhường tự hạ, dám từ bỏ mình để Chúa lớn lên như tâm niệm của Gioan Tẩy Giả “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng việc nói về Chúa chứ không nói về mình, bằng việc hướng mọi người đến với Chúa chứ không hướng mọi người về mình. Khi biết can đảm chấp nhận những sự thua thiệt vì lẽ phải, khi biết hạ mình phục vụ người khác và để cho Chúa được nhận biết là chúng ta đang để cho tình yêu Chúa lớn dần lên trong ta.  

Lạy Chúa, xin thánh hoá tâm hồn chúng con và khơi gợi trong chúng con lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Xin giúp chúng con can đảm sống khiêm nhường để làm chứng cho Chúa. Ước mong sao mỗi người chúng con luôn mang trong mình ước nguyện: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương” (Tv 115,1). 

[/loichua]

Comments are closed.