Thứ Sáu sau Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

Lời Chúa: Mt 9, 27 – 31

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, có hai người mù chạy theo Chúa và kêu lớn tiếng rằng: “Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi”. Khi Chúa tới nhà, những người mù tiến lại gần Chúa. Chúa Giêsu phán bảo họ: “Các ngươi có tin rằng Ta có thể làm việc ấy không?” Họ thưa: “Lạy Thầy, có”. Bấy giờ Chúa sờ vào mắt họ và phán: “Các ngươi tin thế nào, thì hãy được như vậy”. Mắt họ liền mở ra, nhưng Chúa Giêsu truyền cho họ rằng: “Coi chừng, đừng cho ai biết”. Nhưng vừa ra đi, họ liền đồn tiếng Người trong khắp miền ấy.


Suy niệm

“Người nói với họ: ‘Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.’” (Mt 9, 28).

Đọc trình thuật Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao Chúa Giêsu lại im lặng trước lời kêu xin hai người mù. Tại sao Chúa không đáp lời họ trong khi tiếng họ kêu chắc chắn đủ lớn để Ngài nghe thấy? Để ý tới hai người mù, chúng ta thấy họ không gọi tên Đức Giêsu nhưng xưng tụng Ngài là “con vua Đavid”. Điều này chứng tỏ họ đã tin Đức Giêsu và sứ mạng của Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ tin Đức Giêsu và hy vọng ở tình thương của Ngài. Phần Chúa Giêsu, sự im lặng của Ngài là một thử luyện niềm tin của hai người mù. Ngài muốn họ bước theo Ngài để tôi luyện thêm lòng tin của họ. Cả hai đã theo Chúa Giêsu về đến nhà là nơi Chúa Giêsu sẽ củng cố lòng tin cho họ: “Các anh có tin tôi làm được điều ấy không?”. Họ khẳng khái đáp lại: “chúng tôi tin.” Trước khi chạm đến chữa lành đôi mắt thể xác tật nguyền của họ, Chúa Giêsu làm cho đôi mắt tâm hồn họ sáng rõ và niềm tin nên vững vàng mạnh mẽ.

Câu chuyện Tin mừng đã xảy ra hơn hai ngàn năm nhưng vẫn là bài học lớn cho thời đại hôm nay. Chúng ta có thể bắt gặp những con người bất hạnh rơi vào nghịch cảnh, đôi khi vô phương thoát khỏi bế tắc. Họ chạy đến với Thiên Chúa để tìm cứu trợ, giải thoát nhưng Ngài vẫn im lặng và đau khổ vẫn còn đó, khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Thế là người ta nghĩ: phải chăng Thiên Chúa không thấy hay nếu có thì do Ngài không còn yêu con người nữa? Không, Thiên Chúa vẫn yêu con người. Sự im lặng của Ngài là một phương thế thử luyện để đức tin của chúng ta được lớn lên và vững vàng hơn. Ápraham được gọi là “cha của những kẻ tin” vì ông đã vượt qua một thử thách kinh hoàng mà sức con người không thể hiểu nổi. Dù rất đau khổ nhưng ông vẫn tin vững vàng khi phải hy sinh con trai độc nhất để vâng lệnh Thiên Chúa (x. St 22, 1 – 19). Chúng ta cũng có thể “chuyển núi dời non” (x. Mt 17, 20) khi đặt trọn niềm tin yêu phó thác nơi Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng cậy trông để vượt qua đêm tối của đức tin hầu đạt tới đích điểm của cuộc sống này là được ở bên Chúa mãi mãi. Amen.


Comments are closed.