Thứ Năm Tuần IV Phục Sinh – Ngày 12/04/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 13, 16-20″]

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: “Thật, Thầy bảo thật các con: tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm “Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta”. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai. Thật, Thầy bảo thật các con: ai đón nhận kẻ Thầy sai là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Ðấng đã sai Thầy”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NHẬN THỨC VỀ VIỆC MUỐN LÀM TÔI TỚ CỦA ĐỨC GIÊSU

“Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc” (Ga 13,17)

Muốn làm tôi tớ của Chúa Giêsu, người tín hữu cần nhận thức rõ 2 điều này: khi làm tôi tớ của Người, cái giá họ phải đánh đổi là gì? Và cái mối lợi họ nhận được là gì? Lời Chúa của Thứ Năm trong Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh sẽ trả lời hai câu hỏi ấy.

Cái giá phải trả khi muốn làm tôi tớ của Chúa Giêsu là: thập giá và đau khổ. Bài đọc I nằm trong hành trình truyền giáo lần I của thánh Phaolô từ Antiôkhia (Xyria) đến Tiểu Á, một hành trình với đầy dẫy thập giá và đau khổ mà ngài phải chịu: nào là vượt biển lớn vài trăm kilômet, chịu nguy hiểm từ sóng biển; nào là chịu cảm giác cô độc khi bị Gioan, người đồng môn, bỏ rơi; nào là liên tục bị ngoại kiều Do Thái phá rối, ghen tị, thù ghét, xúi dục người ngoại ngược đãi và ném đá từ Antiôkhia (Tiểu Á) đến Icôniô đến Lýtra (gần chết) và đến Đécbê; nào là đói khát và rét lạnh… Còn bài Tin Mừng có hai lần Chúa Giêsu nói về cái giá phải trả là: “Tôi tớ không trọng hơn chủ” (Ga 13,16) và “Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta”(Ga 13,18), để khẳng định thập giá và đau khổ chính là cái giá phải trả cho việc muốn làm tôi tớ của Người. Tại sao cái giá phải trả thì quá lớn mà vẫn có nhiều người, điển hình như các Thánh, lại sẵn sàng đón nhận? Đó là vì họ nhìn thấy mối lợi được ẩn giấu đằng sau cái giá đắt đỏ đó.

Mối lợi được nhận khi làm tôi tớ của Chúa Giêsu thì: vô cùng lớn lao, vô giá, thiêng liêng, và siêu vượt. Bài đọc I tỏ lộ về những mối lợi mà Phaolô nhận được, đó là: bản thân ngài được biến đổi thành con người mầu nhiệm; ngài trở nên say mê Đức Giêsu; am hiểu về Người và giáo lý của Người; trở thành nhà truyền giáo hăng say, không ngại gian khó để vượt biển lớn mà đến với dân cư ở vùng Tiểu Á, không ngại lao nhọc để đặt chân đến các hội đường của họ; mạnh dạn rao giảng giữa các hội đường; sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đức Giêsu và giáo lý của Người; vì Đức Giêsu, Phaolô đành mất hết, và coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, là như rác so với mối lợi là được biết Đức Kitô Giêsu (x. Pl 3,7-9). Còn bài Tin Mừng có hai lần Chúa Giêsu cho biết về mối lợi là: “Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc” (Ga 13,17) và “Tin rằng: Thầy là ai” (Ga 13,19), để khẳng định rằng chỉ những ai đi trên con đường thập giá và đau khổ thì sẽ được biết Người là ai, và được thấu hiểu Tám mối phúc (x. Mt 5,1-12) là như thế nào.

Để làm tôi tớ của Chúa Giêsu, cái giá mà ta phải trả chính là ôm lấy thập giá đời mình, nó có thể là: bao khó chịu, lao nhọc, chán nản, thất bại, đối kháng, trái ý, khinh khi, sỉ nhục, chỉ trích, nghi oan, bệnh tật, và đau khổ. Để gia tăng động lực ôm lấy thập giá đời mình, chúng ta cần thường xuyên hun đúc lòng mình hướng đến những mối lợi thiêng liêng nhờ việc siêng năng đọc sách thiêng liêng, vì thánh Augustinô dạy: hãy nuôi dưỡng linh hồn bằng sách thiêng liêng, còn thánh Đominico nói: sách thiêng liêng là sữa nuôi tôi, và thánh Anphongso viết: sách thiêng liêng làm cho tâm hồn thêm sốt sắng (x. ANPHONGSO LIGOURI, Nữ tu thánh thiện, chương 18, số 8, 9, 12).

Chúa Giêsu sống lại không phải để miễn trừ cho ta khỏi vác thập giá, nhưng là để giúp ta vác thập giá đời mình. Vì thế, xin Chúa giúp ta vui chịu thập giá và thêm nhẫn nhục chịu đựng.

[/loichua]

Comments are closed.