Thứ Năm Tuần III Mùa Chay – Ngày 11-03-2021

Lời Chúa: Lc 11,14-23

Khi ấy, Chúa Giê-su trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bê-en-giê-bút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Sa-tan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được. Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bê-en-giê-bút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bê-en-giê-bút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ. Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi. Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

 


Suy niệm

KIÊN NHẪN VÀ HIỀN LÀNH GIỮA CHỐNG ĐỐI

“Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau” (Lc 11, 20)

Từ khi bắt đầu sứ vụ công khai, Giêsu đã không ngừng dùng lời nói và hành động để mạc khải Nước Thiên Chúa cho mọi người. Thế nhưng, dù được chứng kiến những phép lạ cả thể và nhãn tiền, nhiều người không những không tin mà còn chống đối Chúa. Giữa muôn trùng chống đối, Người vẫn kiên nhẫn và hiền lành sửa dạy dân chúng. Sự kiện được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình.

Chứng kiến quỷ câm bị trừ và người câm nói được, những người chung quanh không thể phủ nhận phép lạ vừa được thực hiện bởi Chúa Giêsu. Nhưng vì không muốn chấp nhận tư cách ngôn sứ của Người, họ buộc tội Người nhân danh tướng quỷ mà trừ quỷ. Không những không tin họ còn muốn thử thách Người bằng cách xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Họ đòi một dấu lạ khác không phải vì muốn đức tin của mình được xác thực, nhưng chỉ vì muốn tìm một lý do khác để từ chối tin vào Chúa. Nói theo ngôn ngữ của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc 1, họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Chúa. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ (x. Gr 7, 24.26).

Chúa Giêsu biết sự cứng lòng và chống đối của họ. Người đã có thể dễ dàng thực hiện một phép lạ cả thể khiến họ bị khuất phục và tin vào quyền năng của Người (x. Mt 26, 53-54). Nhưng Chúa không làm thế bởi Người biết một dấu lạ nhãn tiền từ trời có thể khiến họ nhìn nhận thiên tính của Chúa nhưng lại không thể làm họ thực sự tin tưởng Người. Quyền năng có thể làm họ bị khuất phục nhưng đồng thời nó cũng dễ làm con người sợ hãi Thiên Chúa và không thực sự gắn bó với Người. Do đó, Chúa Giêsu đã nhận phần khó về phía mình để mưu ích lợi cho những người chống đối.

Thay vì dùng quyền năng để khuất phục những người chống đối, Chúa kiễn nhẫn và hiền lành dạy bảo họ. Bằng những phân tích khôn ngoan, Chúa đã bình tĩnh minh chứng rằng phép lạ Người vừa thực hiện không phải do quyền năng của tướng quỷ bởi không thể có chuyện ma quỷ tự chia rẽ và tiêu diệt lẫn nhau. Người cũng mạc khải cho họ rằng Người mạnh hơn ma quỷ; Người thực hiện phép lạ bằng quyền năng Thiên Chúa để chứng tỏ rằng Nước Trời đã hiện diện giữa họ. Từ chối sử dụng sức mạnh và uy quyền, Người cũng chấp nhận thất bại tạm thời. Thực ra, Người sẽ thực hiện yêu sách của họ nhưng theo một cách khác để chinh phục và biến đổi họ nhờ tình yêu, sự kiên nhẫn và hiền lành nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Qua cách đối xử của mình, Người bày tỏ cho con người thấy Thiên Chúa là Quyền năng yêu thương và tha thứ chứ không phải là Quyền năng thống trị và hủy diệt.

Chiêm ngưỡng hành động cao cả của Chúa, chúng ta được mời gọi dùng đức hiền lành và kiên nhẫn để đối xử với những người chống đối chúng ta. Thật vậy, dù chúng ta có sống tốt thế nào vẫn có những người không tin phục chúng ta. Nếu sử dụng quyền lực và uy thế để áp đảo, chúng ta sẽ có thể làm họ xa Chúa, xa Giáo hội. Trái lại nếu dùng đức hiền hòa và kiên nhẫn, một ngày nào đó chúng ta sẽ chinh phục được họ. Cách làm này không những đòi hỏi chúng ta phải hi sinh bản thân để mưu cầu lợi ích cho những người khác, đồng thời đòi hỏi chúng ta khiêm nhường tiếp tục chịu thất bại và chống đối. Nhưng chỉ khi đem đức hiền hòa và kiên nhẫn chinh phục những người chống đối, chúng ta mới nên giống Thiên Chúa và thay đổi được con người của họ trong tương lai.

Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng: chỉ khi có Đức mến chúng ta mới tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa đổ đầy tình yêu, lòng kiên nhẫn và tính hiền hòa vào lòng chúng ta ngõ hầu chúng ta biết dùng đức hiền hòa và kiên nhẫn để chinh phục và dẫn đưa mọi người về với Chúa.


Comments are closed.