Thứ Năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh – Ngày 08-04-2021

Lời Chúa: Lc 24,35-48

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?”. Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

 


Suy niệm

CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN

“Chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48)

Bài Tin Mừng kết thúc với lời mời gọi của Chúa Giêsu với các môn đệ “chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48). Vậy các môn đệ phải làm chứng điều gì?

“Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel” (Lc 24,21). Đó không chỉ là tâm tư của hai môn đệ trên đường Em-mau, mà còn là niềm hy vọng của các môn đệ bước theo Chúa Giêsu. Các môn đệ đặt niềm cậy trông lớn lao vào Chúa Giêsu, dù các ông chưa hiểu rõ sứ vụ Mêsia đích thực của Người. Thế rồi, cái chết của Chúa Giêsu mang đến sự thất vọng ê chề và đánh đổ mọi mộng tưởng trần thế. Niềm vui và hạnh phúc khi các tông đồ ở với chàng rể Giêsu (x. Lc 5,33) chỉ là hoài niệm của quá khứ. Trong bức màn đen tối, Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra và soi tỏ cho các môn đệ thấu hiểu sứ vụ Mêsia của Người (x. Lc 24,45-47). Qua đó, Chúa Giêsu Phục sinh thắp sáng niềm hy vọng, sự sống và niềm vui nơi các môn đệ. Trên hết, Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ nên chứng nhân của niềm hy vọng, sự sống và niềm vui cho thế giới hôm nay.

Tiếp nối sứ mạng của các tông đồ, người Kitô hữu trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu Phục sinh. Trước tiên, người Kitô hữu là chứng nhân niềm hy vọng qua việc sống cho sự thật, chân lý và tình thương. Họ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa ngang qua mọi biến động thăng trầm của lịch sự, những đau khổ và thất bại trong thân phận hữu hạn của con người. Thứ đến, người Kitô hữu là chứng nhân của sự sống. Ngoài cái chết thể lý do chiến tranh, bạo động, tử tự, phá thai,… xã hội đang chứng kiến những cái xác không hồn, không lương tri: rượu chè say sưa, ma túy, phim ảnh đồi trụy, buông thả vô luân, vinh hoa lợi lộc,… Người Kitô hữu nên chứng nhân sự sống qua việc quý trọng hồng ân sự sống nơi các thai nhi, biết can đảm khước từ lối sống hưởng thụ và cổ võ hòa bình thế giới. Cuối cùng, người Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui qua sự dấn thân phục vụ. Những bước chân của người Kitô hữu đến với người nghèo khổ, tàn tật, khổ đau,… sẽ tỏa ngát niềm hạnh phúc của một cuộc đời có Chúa Giêsu Phục sinh cùng song hành.

Đức thánh cha Phanxicô nói rằng: “Ngày nay chúng ta được sai đi rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu cho một thời đại mới. Chúng ta cần yêu mến thời đại này với tất cả những cơ hội và những rủi ro của nó, với những niềm vui nỗi buồn, những giàu có và những giới hạn, những thành công và những thất bại của nó” (Christus Vivit – số 200). Xin cho mỗi Kitô hữu luôn thao thức và dấn thân cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng giữa thế giới hôm nay. Xin cho cuộc sống của mỗi Kitô hữu là những lời chứng sống động cho Chúa Giêsu Phục sinh. Amen.


Comments are closed.