[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: 12, 46-50″]
Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THỰC THI THÁNH Ý CHÚA
“Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12, 50).
Trong triết Đông, khi bàn về “Thiên mệnh”, Khổng tử viết: “Bất tri Mệnh, vô dĩ vi quân tử dã.” Không biết mệnh Trời thì không thể làm người quân tử, và khi biết rồi thì phải lo tuân theo: “Quân tử ủy Thiên mệnh.” Nếu như hình ảnh người quân tử trong triết Đông là người phải biết mệnh Trời và phải theo đó mà tuân giữ thi hành, thì ở nơi người Kitô hữu, việc thi hành Thiên ý lại càng được biểu lộ rõ ràng và cụ thể hơn: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12, 50). Là người Kitô hữu, mỗi chúng ta được mời gọi thi hành Thiên ý nhằm mục đích gì?
Việc thi hành Thiên ý là tiêu chuẩn để xác định là người nhà của Chúa trong đại gia đình thiêng liêng. Tiêu chuẩn này không phải vì danh Kitô hữu mà mỗi người đang có nhưng là người biết thực thi thánh ý Chúa. Mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ, giáo hội cho chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan Mẹ. Cả cuộc đời Đức Mẹ là một hành trình dài gắn bó liên lỉ với thánh ý Chúa, từ thời thơ ấu đến “xin vâng”, cho tới buổi chiều buồn dưới chân Thập giá. Dưới chân Thập giá, Đức Mẹ đã thể hiện trọn vẹn hai tiếng “xin vâng” mà Người đã thưa với sứ thần trong ngày truyền tin: “xin vâng” để hy sinh, “xin vâng” để cuộc đời mình hoàn toàn thuộc về Chúa và “xin vâng” để hiến tế con mình. Cuộc đời Đức Mẹ chính là điểm quy chiếu cho một định nghĩa tròn đầy và sống động về đời sống đức tin.
Theo chân Mẹ, Giáo hội đang tiếp bước trên hành trình tiến về nhà Cha. Tìm về cội nguồn đức tin, vẫn còn đó hình ảnh những tín hữu Giáo hội sơ khai đã sống trong các hang toại đạo 3 tầng, 4 tầng nằm sâu dưới lòng đất tại Roma để ẩn trốn những cơn bách hại kéo dài suốt 3 thế kỷ. Chọn lựa đó là gì nếu không phải Lời đã ở trong tim và bén rễ sâu vào chính cuộc sống của những con người ấy đến độ họ sẵn sàng đón nhận tất cả để bảo vệ đức tin qua nhiều lớp thế hệ. Trên hành trình đức tin của mình, có lúc chúng ta mau mắn xin vâng và tín thác như Đức Maria đã sống; nhưng cũng có khi chúng ta sợ hãi và chối Chúa như Phêrô; và rất nhiều khi chúng ta sống giữa sự giằng co nội tâm, một đàng muốn theo Chúa, muốn làm điều tốt nhưng lại không làm như Phaolô đã trải nghiệm.
“Xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Mỗi chúng ta được mời gọi sống đời sống chứng tá trong mọi hoàn cảnh. Khởi đi từ ý thức thay đổi chính con tim mình để “yêu điều Chúa muốn và muốn điều Chúa yêu”. Xin Chúa cho mỗi chúng ta, qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, luôn biết sống thánh ý Chúa và hun đúc cho sứ mệnh tương lai, vững vàng trong nhịp sống của đời thánh hiến, để mỗi bước chân đi, chúng ta luôn biết thưa lên như tâm tình trong thư Do Thái: “Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10, 7).
[/loichua]