Thứ Hai Tuần XXXII Thường Niên – Ngày 08/11/2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 17,1-6″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không thể nào mà không xảy ra gương xấu, nhưng vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này. Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: ‘Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó”.

Các Tông đồ thưa với Chúa rằng: “Xin Thầy ban thêm lòng tin cho chúng con”. Chúa liền phán rằng: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dẫu các con khiến cây dâu này rằng: ‘Hãy tróc rễ lên và xuống mọc dưới biển’, nó liền vâng lời các con”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THA THỨ KHÔNG GIỚI HẠN

“Nếu có anh em … phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: ‘Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó” (Lc 17, 3-4)

Cuộc sống không thể không tránh khỏi những điều làm mất lòng, lỗi phạm đến nhau, bởi con người thì nhân vô thập toàn. Bởi thế, đời sống thường ngày không tránh khỏi những va chạm buồn vui. Sự tha thứ trở nên rất cần thiết và là vấn đề con người đáng quan tâm.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ: “Các con hãy cẩn thận: nếu có anh em con lỗi phạm, con hãy răn bảo nó, và nếu nó hối cải, thì hãy tha thứ cho nó; cho dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: ‘Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó” (Lc 17, 3-4). Chúa Giêsu không nhắm đến số lượng mà phải tha thứ mãi mãi. Do vậy, Chúa mời gọi các môn đệ phải đi xa hơn nữa trong việc tha thứ cho anh em mình: đó là phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không giới hạn.

Bản tính con người không dễ tha thứ. Tuy nhiên, tha thứ không điều kiện, không có giới hạn là đặc tính riêng biệt của Kitô giáo. “Mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi” (GLHTCG 2227). Tha thứ là hành vi bác ái mà Chúa Giêsu đòi hỏi: “Dù một ngày nó phạm đến con bảy lần, và bảy lần nó trở lại nói cùng con rằng: ‘Tôi hối hận’, thì con hãy tha thứ cho nó” (Lc 17, 4).

Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh và không có giới hạn cũng như mức độ (x. GLHTCG 2845). Sự tha thứ làm phát sinh niềm an vui trong tâm hồn. Sống tha thứ chúng ta mới sống hiệp nhất với nhau để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Như thế, “tha thứ là tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo…. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi…. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ và giữa con người với nhau ” ( GLHTCG 2844). Chúa dạy ta phải tha thứ cho anh em vì ta đã được Chúa thứ tha; đồng thời ta phải tha thứ luôn vì Chúa đã luôn tha thứ cho ta.

Trong cuộc sống chung thường nhật, không thể nào tránh khỏi những xúc phạm đến nhau. Xin Chúa giúp chúng ta luôn nhận thức rõ những lầm lỗi mà chúng ta đã phạm đến Chúa và tha nhân; để qua đó, chúng ta biết cảm thông và tha thứ cho những người đã lỗi phạm đến chúng ta.

[/loichua]

Comments are closed.