Thứ Hai tuần XXVII Thường Niên – Ngày 9/10/2023

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”

Người đáp: “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào?”

Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”

Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.

Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi.

Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi.

Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương.

Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.

Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?”

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

 


Suy niệm

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

“Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” (Lc 10, 37)

Ngày nay chúng ta hay nói: Tứ hải giai huynh đệ: bốn bể là anh em, nhưng người Do thái không chấp nhận quan niệm này. Luật của người Do thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do thái với những người không phải là Do thái. Theo luật của họ, trong cuốn trí tuệ người do thái người thân cận được định nghĩa là những người con trai của xứ sở bạn. Do đó, chỉ có những người Do thái mới là hàng xóm, là thân cận của nhau. Đức Giê-su thì chủ trương ngược lại: người anh em của tôi, người thân cận của tôi là tất cả mọi người xung quanh tôi. Như vậy, điều kiện ai là người anh em không còn quan trọng nữa, mà điều quan trọng là tìm cách để trở nên người anh em, người gần gũi với bất cứ ai đang cần sự giúp đỡ.

Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: sẵn lòng giúp đỡ; biết xót xa trước đau khổ; biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác và biết tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra nhân vật Samaritanô như một điển hình về tình yêu đích thực đó. Chạnh lòng thương trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy tư tế và thầy Lêvi với những bận rộn của mình, người Samaritanô này đã sẵn sàng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Samaritanô. Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: Hãy đi và làm như vậy

Thế giới vẫn còn có rất nhiều người đang phải chịu cảnh đau khổ, khó khăn hằng ngày. Họ là những gia đình li tán, những đứa trẻ bị bỏ rơi, những người đang quằn quại trong cơn đói, những chiến binh gục ngã nơi chiến trường, những kẻ thất nghiệp bơ vơ không nhà cửa… Không chỉ vậy, xung quanh chúng ta cũng không thiếu những người đang mỏi mòn chờ đợi chúng ta yêu thương giúp đỡ. Thế mà nhiều khi chúng ta vẫn tự hỏi: Ai là người anh em mà tôi phải thương mến?. Giống thái độ ích kỷ như thầy tư tế và thầy Lê-vi trong câu chuyện dụ ngôn, chúng ta cố tình làm ngơ hoặc dửng dưng trước những nỗi đau của tha nhân. Chúng ta sợ người ta quấy rầy cho dù biết rõ những nhu cầu cần thiết của họ. Chúng ta không quan tâm đến những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người gặp hoạn nạn, vì sợ mất thời giờ và hao tốn tiền của. Và như thế, mỗi chúng ta đã không sống luật yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bắt chước người Sa-ma-ri nhân hậu để yêu thương tha nhân bằng tình yêu không tính toán và không biên giới. Xin Chúa mở rộng tầm nhìn và đôi bàn tay của chúng con, để chúng con nhận ra mọi người là anh em để yêu thương phục vụ họ. Và xin cho chúng con biết chấp nhận những phiền hà khi giúp đỡ anh em, chấp nhận những mất mát khi cho đi chính con người và của cải vật chất, để chúng con thực hiện trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.


Comments are closed.