[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 7, 1-10″]
Khi ấy, lúc Chúa Giêsu đã nói với dân chúng xong, Người vào Capharnaum. Bấy giờ một viên sĩ quan có tên đầy tớ thân tín bị bệnh gần chết. Nghe nói về Chúa Giêsu, ông sai vài người kỳ lão Do-thái đi xin Người đến cứu chữa đầy tớ ông. Họ đến gần Chúa Giêsu và van xin Người rằng: “Ông ta đáng được Thầy ban cho ơn đó, vì thật ông yêu mến dân ta, và chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta”. Chúa Giêsu đi với họ, và khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này sai mấy người bạn đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh. Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”. Nghe nói thế, Chúa Giêsu ngạc nhiên và quay lại nói với đám đông theo Người rằng: “Ta nói thật với các ngươi, cả trong dân Israel, Ta cũng chẳng thấy lòng tin mạnh mẽ như vậy”. Và những người được sai đi, khi về tới nhà, thấy tên đầy tớ lành mạnh.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
LÒNG TIN ĐƯỢC CHỨNG NHẬN
“Ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7, 9).
Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành anh đầy tớ của viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật quyền năng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, phép là chữa lành này nhấn mạnh đến việc diễn tả lòng tin tưởng và cậy trông của viên đại đội trưởng. Chúng ta có thể nhận rõ điều này qua hai lời chứng nhận.
Trước hết, các kỳ mục Do thái chứng nhận sự tốt lành và yêu thương của viên đại đội trưởng. Thánh sử Luca phác họa chân dung viên đại đội trưởng là người ngoại bang nhưng ông là người tốt và biết cách sống vừa lòng người khác. Ông đã diễn tả tình yêu thương và còn giúp đỡ những người Do thái xây hội đường. Với lòng thương người như vậy, ông chiếm được thiện cảm của người Do thái. Cho nên, khi ông nhờ những người kỳ mục đến xin Chúa Giêsu chữa lành người đầy tớ đang bệnh nặng, họ sẵn sàng giúp ông. Họ đến gặp Chúa Giêsu và chứng nhận lòng tốt của viên đại đội trưởng, “Ông quý mến dân ta; ông đã xây hội đường cho chúng ta” (Lc 7, 5). Chúa Giêsu đón nhận lòng tốt của ông qua việc nhận lời thỉnh nguyện và “liền đi với họ.”
Tiếp đến, chính Chúa Giêsu chứng nhận lòng tin của viên đại đội trưởng. Khi ông nhận ra thân phận ngoại bang của mình và cảm nhận không xứng đáng đón Chúa Giêsu vào nhà vì “luật nhiễm uế” (x.Mc 7, 14). Ông đã thể hiện sự khiêm tốn thẳm sâu khi nhờ những người bạn đến nói với Chúa Giêsu về sự bất xứng của ông và gia đình ông, “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Chính vì thế, tôi cũng không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài” (Lc 7, 7). Diễn tả sự bất xứng của mình cách khiêm tốn cũng đồng thời tuyên xưng niềm tin tưởng cậy trông vào quyền năng của Chúa Giêsu, “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7, 7). Lởi tuyên xưng này đã chạm đến trái tim yêu thương của Chúa Giêsu để rồi Ngài đã chữa lành bệnh cho người đầy tớ qua việc xác nhận lòng tin của viên đại đội trưởng, “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Israel, tôi cũng chưa thấy người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7, 9).
Còn tôi thì sao? Lời tuyên xưng về lòng tin của tôi được Đức Giêsu chứng nhận như thế nào? Khi tham dự thánh lễ, chúng ta đều tuyên xưng, “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Tôi đã xác tín vào lời tuyên xưng này mức độ nào?
Thừa nhận đức tin non kém của mình, hôm nay, chúng ta hãy có một tâm hồn khiêm tốn thẳm sâu như các Tông đồ thưa với Chúa, “Lạy Thầy, xin ban thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5).
[/loichua]