Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên – Ngày 05/09/2022

Lời Chúa: Lc 6, 6-11

Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!” Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?” Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: “Anh giơ tay ra!” Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

 


Suy niệm

YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LỀ LUẬT

“Đức Giê-su nói với họ: ‘Tôi xin hỏi các ông: ngày Sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay hủy diệt?’” (Lc 6, 9)

Tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta biết rằng ngày Sabát không chỉ là ngày để nghỉ ngơi mà còn là ngày con người dành để vinh danh Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chối bỏ luật ngày Sabát và Ngài đã trung thành với lề luật đó, không thua gì các luật sĩ và biệt phái. Hơn thế, Ngài còn đi sát với tinh thần để nâng giá trị yêu thương của lề luật. Bối cảnh bài Tin Mừng hôm nay diễn tả cho chúng ta thấy, trước khi Chúa Giêsu cứu chữa người bị khô bại, các luật sĩ và những người biệt phái rình xem Chúa Giêsu có lỗi luật ngày Sabát hay không ngõ hầu có lý do để ám hại Ngài. Biết được suy nghĩ của họ, Chúa Giêsu nhìn họ với ánh mắt buồn bã và giận dữ, vì họ cứng lòng, chỉ giữ luật hình thức mà không quan tâm đến tha nhân đồng loại.

Việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, điển hình như trong bài Tin Mừng ngày hôm nay được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các luật sĩ và biệt phái, không những không ủng hộ việc tốt lành của Chúa Giêsu đối với người bị khô bại; ngược lại, họ luôn rình rập, để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Ngài. Thấy được ý đồ đó, Chúa Giêsu đã hỏi họ: “Tôi xin hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay giết chết?”. Khi hỏi như thế, Chúa Giêsu trả lại ý nghĩa đích thực cho ngày Sabát, đó là ngày giải phóng con người. Như thế, Chúa Giêsu không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật chính là mặc cho nó tinh thần và ý nghĩa của yêu thương; không có tình thương, lề luật chỉ còn là một cái xác không hồn. Như vậy, kiện toàn luật giữ ngày hưu lễ chính là biến ngày đó thành ngày tôn vinh Thiên Chúa, và không gì đứng đắn và xứng hợp hơn để tôn vinh Thiên Chúa trong ngày hưu lễ, cho bằng thể hiện tình thương đối với tha nhân.

Trong một xã hội sống theo chủ nghĩa vật chất như ngày hôm nay, thái độ sống của chúng ta chẳng khác gì thái độ của các luật sĩ và biệt phái khi xưa. Nhiều lúc trong cuộc sống nơi làm việc, trường học, chúng ta vẫn có những âm mưu để hạ bệ, diệt trừ lẫn nhau. Thậm chí một vài người còn có hành vi loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống như tôn thờ chủ nghĩa vật chất, ham mê những quyến rũ của lạc thú trần gian và có những thái độ chống phá Giáo Hội. Để có được tinh thần yêu thương như Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống tinh thần “yêu như Chúa yêu”, không ghen ghét và không loại trừ nhau.

Lạy Chúa, Chúa muốn dạy chúng con rằng việc thờ phượng Chúa không tách rời khỏi tình yêu thương đối với tha nhân. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa và biết lấy Chúa làm cùng đích cuộc đời, nhờ đó, chúng con có khả năng yêu thương anh chị em đồng loại. Amen.


Comments are closed.