[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 8,1-11″]
Khi ấy, Chúa Giê-su lên núi Cây Dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giê-su : “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Mô-sê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao”. Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giê-su cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ : “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giê-su với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng : “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư”. Nàng đáp : “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo : “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NOI GƯƠNG CÁI NHÌN CỦA CHÚA GIÊSU
Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”(Ga 8,11).
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh người Do Thái tranh luận về nguồn gốc Chúa Giêsu. Các thượng tế và người Pharisiêu không tin về nguồn gốc xuất thân của Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thuộc dòng dõi vua Đavít. Thay vào đó, họ cho rằng Chúa Giêsu là “nguồn gốc gây chia rẽ trong dân” và trong nội bộ của họ, nên đã tìm cách tố cáo Người. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình là một trong những cách họ đưa đến để gài bẫy Chúa Giêsu.
Trước bối cảnh đó, Thánh sử Gioan mở ra cho thấy hai cái nhìn xuất phát từ nội tâm con người: một cái nhìn của lòng thương xót nơi Đức Giêsu Kitô, và một cái nhìn tà tâm đầy ác ý nơi những người Pharisiêu và các thượng tế Do thái. Với cái nhìn thù hằn và đầy ganh ghét, nhóm Pharisiêu và thượng tế Do Thái đã bày mưu tìm kế bắt quả tang người phụ nữ phạm tội ngoại tình để mang đến gài bẫy Chúa Giêsu. Với cái nhìn tà tâm, người Pharisiêu và kinh sư chỉ nhìn thấy trước mắt họ: Chúa Giêsu như là một cái “gai” cần phải nhổ đi và người phụ nữ ngoại tình như một thứ “ung nhọt” cần phải loại trừ ra khỏi xã hội. Trái với cái nhìn của họ, cái nhìn của Chúa Giêsu đầy thương xót trước tình cảnh của người phụ nữ khốn khổ. Chúa đã cứu chị thoát khỏi vòng vây của những kẻ đang chờ chực để ném đá chị “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi?”(Ga 8,7). Câu hỏi này như một bản xét mình, khiến những người ném đá tự vấn lương tâm của chính mình; và rồi, từng người trong họ rút lui với sự thẹn thùng, xấu hổ. Bởi lẽ, họ chỉ thấy “Cái rác trong mắt người khác, mà không thấy cái đà trong mắt mình”(Mt 7,3). Trong cái nhìn của Chúa, Chúa cho thấy sự phân biệt giữa tội lỗi và người có tội. Tội lỗi thì đáng ghét nhưng người có tội thì đáng thương như lời nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: “Chúa ghét tội nhưng không ghét người có tội”. Trước tội lỗi của người phụ nữ, Chúa không đồng tình với tội của chị nhưng Người tỏ lòng khoan dung và mời gọi chị sám hối trở về “chị hãy về đi và từ sau đừng phạm tội nữa”(Ga 8,11) . Cái nhìn của Chúa luôn yêu thương, bao dung và mở rộng, để chờ đón tội nhân quay trở về.
Trong cuộc sống, ai cũng từng trải qua những yếu đuối và tội lỗi. Những yếu đuối và tội lỗi có thể là lớn hay nhỏ, có thể xuất phát từ chính bản thân hay bị tác động từ người khác. Tuy nhiên, Điều quan trọng là thái độ, cách hành xử, phản ứng của chúng ta trước những lầm lỗi thiếu xót đó. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta thay đổi cái nhìn trước tội lỗi của bản thân và của tha nhân. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta noi theo cái nhìn của Chúa, cách cụ thể: Trước những lỗi phạm của bản thân, chúng ta cần thái độ khiêm tốn nhận ra tội lỗi của mình như người phụ nữ trong Tin Mừng để ăn năn sám hối và trở về với Chúa. Còn trước những lỗi phạm của người khác, chúng ta cần có cái nhìn bao dung, cảm thông. Noi theo gương Chúa Giêsu “ghét tội nhưng không ghét người có tội”, chúng ta cần có thái độ cảm thông, tha thứ và mở ra con đường để họ trở về. Hơn nữa, chúng ta ý thức rằng bản thân mình cũng là những tội nhân trước mặt Chúa. Vì vậy, chúng ta cần tránh những thái độ loại trừ, xét đoán, hay trù dập người khác bằng những lời nói, hành vi ác tâm của mình. Có như thế, khi chúng ta vấp phạm hay lầm lỗi, chúng ta mới mong đón nhận được sự tha thứ, khoan dung của Chúa cũng như tha nhân, để làm lại cuộc đời.
Xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta ý thức rằng mỗi người đều là tội nhận trước mặt Chúa, cần mau mắn chạy đến với bí tích hòa giải để được thứ tha và trở về cùng Chúa. Đồng thời, xin Chúa cho chúng ta biết noi theo cái nhìn của Chúa, để biết bao dung, tha thứ cho tha nhân và mở ra con đường để họ trở về giao hòa với Chúa và anh em. Amen.
[/loichua]