[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1,39-56″]
Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth. Và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen rằng tôi có phước, vì Ðấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa đã săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THĂM VIẾNG TRUYỀN GIÁO
“Khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà” (Lc 1,41).
Có những cuộc thăm viếng chỉ đơn thuần là trò chuyện, xã giao, lại có những cuộc thăm viếng làm thay đổi cuộc đời, xét cả về hai phía. Bài tin mừng hôm nay kể lại một cuộc thăm viếng, và kết quả của cuộc thăm viếng này là những người gặp nhau đã được biến đổi. Đó là cuộc thăm viếng của Đức Maria tới chị họ, bà Elisabeth. Cuộc thăm viếng của Đức Maria có nét gì đặc biệt, đến nỗi Giáo hội đã mừng kính biến cố này cách trọng thể như vậy?
Trong bài Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại hành trình Đức Maria thăm viếng bà chị họ Elisabeth khi hay tin bà được Chúa đoái thương cho mang thai khi tuổi đã già. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của cuộc viếng thăm không bởi hành trình gian nan vất vả mà Đức Maria phải vượt qua (khoảng cách từ Nazareth đến nhà Elisabeth khoảng 100km đường đồi núi), nhưng ở mục đích của cuộc thăm viếng : Mẹ Maria mang niềm vui ơn cứu độ đến cho người chị họ Elisabeth, niềm vui ấy lớn đến nỗi ngay cả hài nhi trong lòng bà cũng nhảy mừng vui sướng vì được mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm (x. Lc 1, 40-41). Đức Maria đã thực hiện một cuộc viếng thăm truyền giáo, là đem Chúa đến gia đình ông bà Giacaria.
Con người thời đại hôm nay thật dễ để nối kết và trò chuyện với nhau mà không cần phải ra khỏi nhà, qua việc sử dụng các ứng dụng video call hay chat messenger. Khoảng cách giờ đây không còn là trở ngại. Tuy vậy, thực tế lại cho thấy những nghịch lý trong đó: con người nhìn thấy nhau thường xuyên nhưng ít hiểu nhau hơn, nói với nhau nhiều nhưng ít lắng nghe, chia sẻ nhiều nhưng tâm hồn lại trống rỗng, có rất nhiều bạn nhưng lại cô đơn, v.v. Gương Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đáng để chúng ta suy nghĩ về cung cách gặp gỡ, trò chuyện và thăm viếng tha nhân cách trực tiếp. Hãy tự hỏi, có khi nào chúng ta đang quá lệ thuộc vào phương tiện tân tiến để rồi bị tắc nghẽn hay ngại ngùng thực hiện các cuộc thăm viếng người khác, cụ thể là những người bệnh tật, đau khổ xung quanh chúng ta? Có khi nào chúng ta mặc cảm tự ti mà chưa dám đi tìm những người hướng dẫn thiêng liêng (các linh mục, hay các chuyên viên, v.v.) để chia sẻ, trải lòng hầu biến đổi đời sống? Đặc biệt, hãy tìm lại ý nghĩa các cuộc thăm viếng. Liệu rằng trong các cuộc trò chuyện và thăm viếng ấy, Chúa có được giới thiệu hay không? Nói khác đi, người khác có nhận ra Chúa nơi chúng ta khi chúng ta đến với họ hay không?
Xin Chúa giúp chúng ta, khi sử dụng các phương tiện tân tiến nối kết mọi người lại với nhau, cũng biết bước ra khỏi nhà để thực hiện các cuộc viếng thăm, để trao gửi niềm vui yêu thương, sự nâng đỡ, khích lệ và trợ giúp, nhất là thăm viếng những người già đau yếu, cô đơn, các gia đình đang gặp khó khăn, hay gắn kết với chính các thành viên trong gia đình mình. Được như thế là chúng ta đang thực thi sứ mạng truyền giáo mà Chúa và Giáo hội tin tưởng trao phó.
[/loichua]