[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 4, 43-54″]
Sau hai ngày, Đức Giê-su bỏ nơi đó đi Ga-li-lê. Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. Khi Người đến Ga-li-lê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giê-ru-sa-lem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ.
Vậy Đức Giê-su trở lại Ca-na miền Ga-li-lê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Ca-phác-na-um. Khi nghe tin Đức Giê-su từ Giu-đê đến Ga-li-lê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giê-su nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giê-su bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giê-su nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giê-su đã làm, khi Người từ miền Giu-đê đến miền Ga-li-lê.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
DẤU LẠ TỪ ĐỨC TIN
Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giê-su đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. (Ga 4, 53)
Ai trong chúng ta cũng biết chắc chắn rằng khi để bàn tay vào lửa thì bàn tay sẽ bị bỏng, hoặc nếu chúng ta lấy dao cắt vào da thịt thì phần chi thể ấy sẽ bị chảy máu,… Vậy khi nói đến đức tin, chúng ta có xác tín về đức tin của mình không ?
Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe nhắc đến một dấu lạ khởi đi từ chính đức tin của viên sĩ quan mà con ông được chữa lành, và hơn nữa cả nhà ông đều tin. Theo dõi diễn biến của đoạn Tin Mừng, ta thấy thái độ khẩn khoản nài xin của viên sĩ quan trước Chúa Giêsu chứng tỏ tình thương đối với đứa con mà ông đang từng giây từng phút giành lấy từ tay tử thần. Vì thế, ông đã không bận lòng về câu trả lời khiển trách của Chúa Giêsu: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu”, thay vào đó ông một mực tin vào quyền năng và tình thương của Chúa để lặp lại cùng một lời cầu xin: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất”. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ lập trường không theo lời mời, và lặp lại cùng một câu trả lời theo một cách khác: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Cả hai lần trả lời, lần thứ nhất cũng như lần thứ hai là một lưu ý thú vị về sự tương phản trong lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Sự tương phản trong lần trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu không phải là một lời khiển trách; đúng hơn, chỉ là lời của sự thật. Bởi Chúa Giêsu thấy rằng thực tế có nhiều người thiếu niềm tin, hoặc yếu về đức tin. Cho nên Chúa Giêsu đã dùng ước muốn xin dấu lạ của họ để trao ban đức tin. Mặt khác, trong lần trả lời thứ hai, Chúa Giêsu lặp lại cùng một câu trả lời theo một cách khác với mục tiêu cuối cùng là gia tăng đức tin cho viên sĩ quan bằng cách đòi hỏi ông phải có một niềm tin mạnh mẽ rằng con ông đã được khỏi bệnh. Và dấu lạ xảy ra khi viên sĩ quan tin vào lời Chúa Giêsu để trở về nhà, ngay cả khi ông không thấy. Câu truyện kết thúc giống như truyện người đàn bà xứ Canaan xin Chúa chữa cho con bà khỏi bị quỷ ám (x. Mt 15, 21-28).
Đối với Chúa Giêsu việc chữa lành thể xác chỉ là thứ yếu, điều quan trọng hơn là đưa ông và cả nhà ông đến một sự tin nhận rằng: “Chúa là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6); “Ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6, 47). Bởi thế, đức tin giống như một tia X-quang làm cho chúng ta khám ra những gì mắt thường không thể thấy. Đây cũng là điểm đẹp nhất trong Tin Mừng hôm nay minh định rằng chỉ có đức tin mới làm nên dấu lạ, và chỉ có đức tin mới xóa tan đi khoảng cách về không gian địa lý để thay vào đó là sự hiện diện của Chúa trong ngôi nhà của mình.
Trong tập sách ‘Ðường Hy Vọng’, số 275, Bậc Đáng Kính Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mời gọi mỗi người chúng ta hãy kiểm điểm lại đức tin của mình như sau: “Xem hành động của con, phản ứng của con, đủ biết đức tin của con sống động hay là một đức tin nhãn hiệu”. Vì thế, mỗi lần đối diện với những cơn giông tố trong đời sống, xin Chúa giúp chúng ta luôn xác tín rằng đức tin không phải là một ‘nhãn hiệu’ in trên mặt hàng, mà là nguồn mạch sống động của một ‘thương hiệu’ về ân ban nhưng không của Thiên Chúa để bảo đảm cho những điều ta hy vọng, bằng chứng cho những điều ta không thấy (x. Dt 11, 1).
[/loichua]