[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 3, 22-30″]
Còn các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Tôi bảo thật anh em: “mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SỐNG TINH THẦN ĐOÀN KẾT
.
Trong thời đại hôm nay, khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ tiên tiến hơn, đời sống của con người cũng được tăng cao. Tuy nhiên, dường như nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong gia đình, xã hội, và tôn giáo. Bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy, phái nào cũng mạo nhân là theo Thiên Chúa một cách trung thực. Ngay cả trong một giáo phái, cũng có sự chia rẽ và phe phái. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Kitô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho các kinh sư đã kết án người là lấy quyền quỷ vương để trừ quỷ lính.
Khi Đức Giêsu hoạt động ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến tận Giêrusalem, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời bấy giờ. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các luật sĩ từ Giêrusalem xuống lại không được tốt đẹp, bởi vì, họ nói rằng: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ”. Các luật sĩ lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người am hiểu về Lời Chúa. Họ phải vui mừng vì trong dân tộc họ xuất hiện một con người vĩ đại, hoặc ít ra họ cũng vui mừng vì một số người trong dân tộc họ được chữa lành bệnh. Là những người lãnh đạo trong dân, họ phải chia sẻ niềm vui với dân của họ vì những ân ban mà dân của họ đã nhận được. Thế mà họ tỏ ra ghen tức và tìm đủ mọi cách hạ bệ Đức Giêsu, thậm chí họ còn dùng những lời lẽ hết sức là mâu thuẫn để chống báng Ngài. Sự ngoan cố của các kinh sư lại ngoan cố không nhìn nhận vai trò thiên sai của Đức Giêsu, thậm chí còn mặc cho Ngài chiếc áo xấu xa của ma quỷ. Sự ngoan cố đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Đức Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.
Cũng vậy, trong đời thường lẽ ra trước một điều may lành nào đó của tha nhân, đúng ra chúng ta phải vui mừng với họ. Tuy nhiên, vì lòng ganh tỵ, chúng ta thường tỏ ra khó chịu vì họ may mắn hơn chúng ta. Hoặc khi một người nào đó có khả năng hơn chúng ta, làm được những công việc xem ra thành công hơn chúng ta thì chúng ta cũng lại khó chịu và ghen ghét. Thậm chí cũng tìm đủ mọi cách mà hạ bệ họ. Khi còn phản ứng như thế, chứng tỏ lòng chúng ta còn chất chứa nhiều ganh tỵ, trái tim chúng ta chưa có đủ bao dung. Vì thế, Đức Giêsu lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, sự hiệp nhất. Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa, và chính nhờ sự duy nhất này của Hội Thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Satan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.
Lạy Chúa, xin hãy cho chúng con biết sống hiệp nhất với nhau để chúng con có thể làm chứng cho Chúa giữa xã hội và môi trường sống của chúng con hiện nay. Amen.
[/loichua]