Thứ Hai Tuần II Mùa Chay – Ngày 01-03-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6,36-38″]

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

YÊU THƯƠNG VÀ NHÂN TỪ NHƯ CHÚA

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36)

Đã là con người, ai cũng có những yếu đuối? Không ai muốn sống mà lúc nào cũng bị người khác dòm ngó bới móc từng hành vi, từng cử chỉ. Với những tội nhân, ai trong số họ cũng muốn được người khác tha thứ. Chính Chúa Giêsu đã có những lời dạy về sự nhân từ. Vậy chúng ta đã biết và thi hành những điều đó chưa?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca đã thuật lại lời răn dạy của Chúa Giêsu, khởi đầu với lời khuyên chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Chúa. Hơn thế nữa, chúng ta còn được nhận làm con cái Chúa qua Bí Tích Rửa Tội, nên cũng phải thừa hưởng những gì từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu ước ao rằng chúng ta sẽ trở nên “Cha nào con nấy”. “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Ngay từ trong Cựu Ước, việc sống theo Thiên Chúa đã được răn dạy: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Bằng bốn ý tưởng, hai câu phủ định và hai câu khẳng định, Chúa Giêsu đã minh họa điều mà lòng nhân từ nảy sinh. Chúng ta thấy lời khuyên của Chúa Giêsu mỗi câu có hai vế rất rõ ràng. Các động từ vế thứ hai ở thể thụ động, hàm ý chính Thiên Chúa là Đấng tác nhân chủ động. Chúng ta được khuyên đừng “xét đoán, lên án” nhưng hãy “tha thứ và cho đi”.

Chúng ta được Chúa Giêsu mời gọi hãy sống nhân từ. Người sống nhân từ luôn thể hiện tình yêu với người khác. Khi đã có tình yêu rồi, xét đoán sẽ trở thành lời góp ý vì nó phát xuất từ trái tim chân thành, muốn điều tốt cho người khác. Người mang trái tim nhân từ sẽ không kết án người khác mà chỉ lên án tội. Và khi đã có tình yêu, việc tha thứ trở nên như một thói quen tốt. Thêm vào đó, tình yêu thương sẽ khiến chúng ta sống cho đi, không vị lợi. Khi có tình yêu và lòng nhân từ, chúng ta sẽ không giữ những lời răn dạy của Chúa cách sợ hãi. Thánh Gioan đã dạy: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Với tấm lòng yêu thương chân thành, mọi hành động của con người sẽ luôn hướng chiều về điều tốt. Lúc đó, chúng ta không xét đoán hay lên án, không vì sợ bị xét đoán hay lên án; tha thứ không vì mưu cầu sự thứ tha; cho đi không vì muốn nhận lại. Chính vì thế, thi hành lời Chúa dạy với hết con tim của mình là chúng ta đang hướng tới tình yêu hoàn hảo như Chúa muốn. Để đạt được điều đó, chúng ta cần cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, không ngừng xin Ngài hướng dẫn để cảm nhận được tình yêu của Ngài và biết cách yêu tha nhân. Với Bí Tích Hòa Giải, chúng ta kín múc nguồn ơn thánh dạt dào để tẩy sạch con người tội lỗi. Không chỉ thế, Bí tích này còn giúp chúng ta thêm cảm nhận lòng nhân từ của Thiên Chúa, ngõ hầu, chúng ta biết cảm thông với yếu đuối của tha nhân.

“Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8). Xin Chúa ban cho chúng ta nhận lấy tình yêu của Ngài để mang tình yêu đó đến với mọi người, biết tha thứ và cho đi nhưng không như đã nhận nhưng không từ Thiên Chúa.

[/loichua]

Comments are closed.