Thứ Hai Tuần 3 Mùa Vọng – Ngày 14/12/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 21, 23-27″]

Khi ấy Chúa Giê-su vào đền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: Ông lấy quyền nào mà làm những điều này. Ai đã ban quyền ấy cho ông”. Chúa Giê-su trả lời : “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó: phép rửa của Gio-an bởi đâu mà có, bởi trời hay bởi người ta”. Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy. Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gio-an như một vị “tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giê-su rằng : “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giê-su nói với họ : “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TIN VÀO CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ

“Bấy giờ họ trả lời Chúa Giê-su rằng : “Chúng tôi không được biết. Chúa Giê-su nói với họ : “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó” (Mt 21,27)

Ơn cứu độ là một hồng ân Thiên Chúa ban, tuy nhiên để có thể đón nhận hồng ân ấy, con người phải có thái độ cộng tác. Nếu không thì trước ơn ban trong cuộc đời, thay vì thêm vững tin, con người lại hoá ra lòng chai dạ đá. Thái độ của các Thượng tế và Kỳ mục Do Thái đối với Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã cho ta thấy điều đó.

Những người đến chất vấn Chúa Giêsu đều là những người có địa vị cao trong Thượng Hội Đồng Do Thái. Chắc chắn những người này biết rõ những lời rao giảng, hành động, cũng như chủ đích của Chúa Giêsu trong thời gian qua. Nhưng sự kiện Chúa Giêsu đuổi các con buôn ra khỏi đền thờ đã khiến họ không thể im hơi lặng tiếng. Các nhà lãnh đạo Do Thái chất vấn Chúa Giêsu về nguồn gốc quyền năng của Người, nhưng câu trả lời mà họ nhận được từ Chúa lại là một câu hỏi chất vấn ngược lại chính lòng dạ thiếu thiện chí của họ.

Qua câu hỏi của Chúa Giêsu: “Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”, giới lãnh đạo Do Thái trả lời rằng họ không biết, trong khi toàn dân đều coi Gioan là vị ngôn sứ của Thiên Chúa, đến loan báo về đấng Mesia. Các bậc thầy trong dân không biết hay cố tình không muốn biết? Bởi lẽ nếu họ công nhận Gioan Tẩy Giả, thì đồng thời họ cũng phải nhìn nhận Chúa Giêsu, Đấng mà Gioan loan báo. Mà giả như họ không tin vào lời Gioan, thì theo như lời Chúa Giêsu đã nói, họ vẫn phải tin vào Người, bởi những việc Chúa Giêsu làm: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5-6), đủ để minh chứng rằng Người là Đấng Kitô, “Chúa Cha ở trong Người và Người ở trong Chúa Cha” (x. Ga 10,38). Mặc dầu vậy, giới lãnh đạo Do Thái vẫn ở lại trong “cái tôi” cứng cỏi của họ, khép lòng trước Đấng Cứu Thế và chối bỏ hồng ân cứu độ.

Từ cách cư xử của những người Do Thái trong bài Tin Mừng, người Kitô hữu ngày nay được mời gọi đừng cứng tin nữa, song hãy biết “mở lòng” ra để cho Thiên Chúa ngự đến và biến đổi toàn diện tâm hồn. Cách cụ thể, trong mùa Vọng này, mỗi người Kitô hữu hãy biết ăn năn thống hối tội lỗi, trở về giao hoà với Thiên Chúa là Cha nhân từ qua bí tích Hoà Giải. Bởi lẽ, nếu chúng ta không muốn lãnh nhận hồng ân cứu độ, không muốn xa đàng tội lỗi, thì Thiên Chúa có uy quyền thế nào, cũng chẳng thể cứu vớt chúng ta. Vì chưng, Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Đặc tính của tình yêu không bao giờ là gượng ép, nhưng là tự do và chân thành. Con người luôn luôn có lựa chọn và phải chịu trách nhiệm trước lựa chọn của riêng mình.

Ước mong mỗi người Kitô hữu luôn xác tín, và sống đức tin mà chúng ta đã được lãnh nhận ngày chịu phép Rửa tội. Nhờ đó, chúng ta cũng như thánh Gioan Tẩy Giả năm xưa, mỗi ngày sống là một ngày tỉnh thức, “dọn đường” chờ mong Chúa đến.

[/loichua]

Comments are closed.