Thứ Hai Tuần 19 Thường Niên – Ngày 09-08-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 17,22-27″]

Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền. Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế ‘đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”. Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Đòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

KHÔNG THUỘC VỀ THẾ GIAN

“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mt 17,22).

Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã trở nên thành viên của gia đình nhân loại. Người được Mẹ Maria sinh ra, được lớn lên giữa làng quê Nazareth. Người đi vào dòng chảy lịch sử dân Do thái. Dầu vậy, Người không thuộc về thế gian, Người luôn sống trong ý thức: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết Người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.

Từ khi công khai rao giảng Nước Thiên Chúa, không ít lần Đức Giêsu Kitô đề cập đến cái chết của chính mình. Tin mừng Nhất lãm ghi lại ba lần Người trực tiếp loan báo Người sẽ phải chết. Đoạn Tin mừng theo thánh Matthêu hôm nay là lần thứ hai Người nói với các môn đệ về kết cục của Người. Nhìn chung, nội dung lần loan báo này giống lần thứ nhất (x. Mt 16,21), đó là Người bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Điều khác là: ở lần thứ nhất, sự đau khổ và cái chết của Người do các “kì mục, thượng tế và kinh sư” còn ở lần thứ hai, Người bị nộp vào tay “người đời”. Kiểu nói “người đời” đặt trong liên hệ với phần sau của đoạn Tin mừng – nói về bổn phận nộp thuế cho đền thờ – gợi lên sự liên tưởng giữa “người đời”, “vua chúa trần gian”, “con cái mình”, và “người ngoài”. Kiểu hành xử của “vua chúa trần gian” là dung dưỡng “con cái mình” và bắt “người ngoài” đóng sưu nộp thuế. Thói thường của “người đời” là triệt hạ những ai “nói khác”. “Vua chúa trần gian” hay “người đời” bị giam hãm trong suy nghĩ và hành động theo kiểu thế gian, cần phải được khai minh bởi thực tại Nước Trời. Đức Giêsu Kitô – Thiên Chúa trong thân phận con người – đã công bố Tin mừng Nước Trời. Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7). Người đến để cho con người sự sống đời đời (x. Ga 6,53-58). Người tự hiến thân mình trong phận người, Người cố gắng không thành cớ “làm gai mắt” người khác, Người nộp thuế đền thờ, nêu gương chu toàn bổn phận. Dầu vậy, vì Người không thuộc về thế gian nên thế gian không “chịu” Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,10-11). Sống giữa thế gian, Đức Giêsu Kitô mặc khải Thiên tính của Người, Người mở cho thế gian nhận biết thực tại Nước Trời. Sau khi Người trỗi dậy từ cái chết, thế gian – thể hiện nơi thân xác của Người – được đưa vào vinh quang Thiên quốc. Đó là bảo đảm cho những ai trung thành: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian và là cuộc hiện hữu tròn đầy, hiện hữu cùng và trong Thiên Chúa.

Xin cho mỗi người được ơn biết bận tâm và ưu tiên bồi dưỡng những giá trị Nước Trời, luôn ý thức mình thuộc về quê hương thượng giới; nhờ đó, dù sống giữa thế sự thăng trầm, mỗi người vẫn một lòng hướng về cõi phúc chân thật, chờ mong ngày hợp đoàn cùng chư thánh hiển vinh.

[/loichua]

Comments are closed.