Thứ Hai – Sau Tuần Bát Nhật Giáng Sinh – 02/01/2023

Lời Chúa: Ga 1,19-28

Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai? Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: Tôi không phải là Đấng Kitô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không?” Ông nói: “Không phải.” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. Họ hỏi ông: Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ? Ông Gioan trả lời: Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.

 


Suy niệm

NGƯỜI LÀM CHỨNG

Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói (Ga 1,23).

Để giới thiệu cho người đọc về Gioan Tiền Hô, thánh sử Gioan đã viết : “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,6-8). Chỉ với những lời vắn tắt như vậy, thánh sử Gioan đã cho người đọc biết về con người và sứ vụ của chính Gioan Tiền Hô. Ông là người làm chứng cho chính Chúa Giêsu, Đấng là ánh sáng đưa muôn dân thoát khỏi bóng tối của tội lỗi. Vai trò chứng nhân của Gioan nổi bật với hai đặc điểm sau.

Thứ nhất, người làm chứng là người ý thức về chính mình. Khi Gioan trở nên nổi tiếng bởi lối sống và chính lời rao giảng của mình, ông đã được nhiều người coi là tiên tri, Êlia sẽ trở lại vào Ngày của Chúa (x. Ml 3,23), hay chính là Đấng Mêsia mà người Do Thái vẫn hằng trông đợi. Điều này được làm rõ qua chính câu hỏi các tư tế và các thầy Lêvi khi đến gặp Gioan Tiền Hô: “Ông là ai? – Ông có phải là ông Êlia không? – Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Tất cả những câu hỏi này đều bị ông từ chối. Những lời từ chối của Gioan càng lúc càng ngắn hơn và sắc hơn “Tôi không phải là Đức Kitô”, rồi “tôi không phải” là Êlia, và cuối cùng chỉ còn từ “không”. Gioan từ chối những chức danh mà nhiều người lầm tưởng về ông, bởi ông ý thức về chính bản thân của mình; ông chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa”.

Thứ hai, người làm chứng là người biết mình nói gì? nói về ai? “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa. Hãy sửa cho thẳng con đường của Chúa” (Ga 1,23). Gioan ý thức mình chỉ là kẻ dọn đường cho Chúa, nên những gì ông nói, ông làm đều là những chứng tá cho Đấng mà ông làm chứng. Đó là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,26-27). Chúa Giêsu là ánh sáng đã đến thế gian và chiếu soi mọi người, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận biết Ngài. Chính vì vậy, Gioan đã đến để làm chứng cho ánh sáng. Ông không nói về chính mình, nhưng nói về Đấng Thiên Sai. Ông không đặt mình làm trung tâm, mà làm tất cả những gì nhờ đó mà để mọi người có thể đón nhận Đấng cứu thế “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3, 30).

Là một Kitô hữu, là một chủng sinh hay là linh mục,… chúng ta đều có nhiệm vụ giới thiệu Chúa Kitô cho người khác trong chính bậc sống của mình. Mỗi chi thể đều có chỗ đứng, chức năng riêng, “tuy khác biệt nhau nhưng tất cả đều làm chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô” (GH 32c). Nói cách khác, ngay khi đón nhận Bí tích Rửa Tội, con người bên trong của mỗi Kitô hữu được đóng ấn và được mời gọi tham gia tích cực, tùy bậc sống và ơn gọi của mình, vào sứ vụ mà Thiên Chúa đặt để trong Giáo hội. Điều quan trọng, chúng ta phải ý thức mình chỉ là khí cụ của Chúa như chính Thánh Gioan Tiền Hô chỉ là “tiếng hô”. Ý thức về nhiệm vụ và là khí của Chúa, chúng ta mạnh dạn đem Chúa đến với mọi người, mà không ngại nghi nan, sợ người đời chê ghét, bởi chúng ta biết mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giê-su, Chúa của chúng ta (x Pl 3,8).

Theo gương Gioan chúng ta hãy trở nên ngôn sứ của thời đại hôm nay qua việc ý thức sứ vụ của mình, đem niềm vui Đấng Thiên sai giáng trần đến với mọi người nhờ đó con người được cứu độ.


Comments are closed.