Thứ Hai Sau Lễ Hiển Linh – Ngày 04-01-2021

Lời Chúa: Mt 4,12-17.23-25

Khi ấy, nghe tin Gio-an bị nộp, Chúa Giê-su lui về Ga-li-lê-a. Người rời bỏ Na-da-rét, đến ở miền duyên hải thành Ca-phác-na-um, giáp ranh đất Da-bu-lon và Nép-ta-li, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri I-sai-a rằng : “Hỡi đất Da-bu-lon và đất Nép-ta-li, đường dọc theo biển, bên kia sông Gio-đan, Ga-li-lê-a của ngoại bang. Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết”. Từ bấy giờ, Chúa Giê-su bắt đầu rao giảng và nói : “Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến”. Và Chúa Giê-su đi rảo quanh khắp xứ Ga-li-lê-a, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Sy-ri-a. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, Giê-ru-sa-lem, Giu-đê-a và vùng bên kia sông Gio-đan.

 


Suy niệm

CHÚA GIÊSU – MẪU GƯƠNG CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO

“Chúa Giê-su đi rảo quanh khắp xứ Ga-li-lê-a, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân”

Cuộc sống ngày hôm nay có nhiều vẻ đẹp thu hút khiến chúng ta quan tâm, nhìn ngắm, mơ ước, muốn sở hữu và hưởng thụ…Tuy nhiên, những cái đẹp này vô thường và chóng qua. Trong ánh sáng Lời Chúa hôm nay, Thánh sử Matthêu phác hoạ nét đẹp đích thực, đó là bước chân người rao giảng Tin mừng, mà trên hết là bước chân của Chúa Giêsu, gương mẫu các nhà truyền giáo. Người đã tới những vùng đất xa lạ, miền đất của dân ngoại, để đem ánh sáng cứu độ đến những người ngồi trong bóng tội lỗi và sự chết.

Tin mừng ngày hôm nay đã tọm tắt toàn bộ hoạt động truyền giáo của Chúa Giêsu, Người đã rời bỏ làng quê yên bình Nazareth đến miền Caphácnaum, là một thành phố ven biển, nhộn nhịp, nơi pha trộn nhiều dân tộc, giao thoa nhiều nền tôn giáo, và là miền đất có nhiều người ngoại sinh sống, để tìm những con chiên lạc nhà Israel và cả những con chiên không thuộc ràn này mà đưa chúng về. Người đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân, làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đau khổ, để giải thoát con người toàn diện cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều này nói lên tính phổ quát của việc rao giảng Tin mừng, vì Chúa Giêsu đến trần gian để tìm và cứu những gì đã mất, và quy tụ muôn loài muôn vật về một mối. Người nên ánh sáng cho những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, và ánh sáng ấy vẫn được lan toả đến tận cùng trái đất qua sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc, an toàn của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên để Tin mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. “Vùng ngoại biên” được hiểu là những không gian xa xôi hẻo lánh, chưa có dấu chân của người môn đệ. “Vùng ngoại biên” cũng được hiểu là những con người nghèo đói, bệnh tật, bị bỏ rơi, những người thấp cổ bé họng, những con người đang quằn quại dưới ách thống trị của đam mê xấu, của tội lỗi, hoặc những con người chưa một lần được tiếp cận với Tin mừng Chúa Kitô. Rời bỏ cuộc sống an toàn để đi đến những vùng ngoại biên, đối mặt với những khó khăn, thử thách đang chờ đón phía trước, có thể khiến chúng ta sợ hãi; nhưng chính Chúa Giêsu đã đi bước trước để làm gương, và Người đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Vậy, chúng ta hãy mạnh dạn theo gót Chúa Giêsu, gieo rắc niềm vui của Tin mừng, chiếu tỏa ánh sáng đức tin đến những mảnh đời bất hạnh. Có thể chúng ta chỉ cần biểu lộ một ánh mắt cảm thông, một lời nói động viên khích lệ, một câu an ủi, một thái độ quan tâm, nâng đỡ, một hành động phục vụ, bác ái, một cử chỉ yêu thương và tha thứ. Tất cả những điều ấy tuy rất nhỏ, rất thường trong cuộc sống, nhưng, nếu chúng ta làm với tất cả lòng yêu mến, thì đó là đang truyền giáo mỗi ngày. Khi ấy, Tin mừng của Chúa được loan truyền không còn giới hạn bằng lời nữa mà bằng đời sống chứng tá như khẳng định của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI: “Người thời nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”.

Xin Chúa cho chúng ta biết can đảm ra đi tới những vùng ngoại biên của cuộc sống để đem Tin mừng tình yêu và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người, nhờ đó, muôn dân được thấy ánh sáng huy hoàng của Đức Kitô, Đấng cứu độ trần gian.


Comments are closed.