Thứ Hai sau Chúa Nhật II Mùa Chay – Ngày 14/3/2022

Lời Chúa: Lc 6,36-38

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

 


Suy niệm

HÃY NHÂN TỪ NHƯ CHÚA LÀ CHA NHÂN TỪ

“Đừng xét đoán và các ngươi sẽ không bị xét đoán, đừng lên án và các ngươi sẽ không bị lên án”
(Lc 36,37)

“Đừng xét đoán… đừng lên án”, chúng ta thường hiểu lầm câu này và cho rằng khi Chúa dạy đừng xét đoán là chúng ta phải im lặng không phê phán ai dù người ấy có mắc lỗi lầm như thế nào. Nếu hiểu xét đoán như thế thì xem ra không ổn, bởi lẽ đã có lần Chúa lên án rằng: “Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng” (Mt 23,16), “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia!” (Mt 23,33). Vậy lý do nào Chúa lại cấm xét đoán?

Chữ “xét đoán” ở đây hiểu là phê bình, chỉ trích, đánh giá người khác một cách thậm tệ, kết án ai quá nhẹ dạ, không đủ điều kiện mà cứ lên án người này người kia một cách bừa bãi. Đó là điều Chúa cấm. Mặt khác, Chúa đang so sánh thái độ của các môn đệ theo Chúa và thái độ các luật sĩ biệt phái, họ là giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ, là những người xem ra đạo đức, nhưng lại tự tôn vì cho rằng chỉ có họ mới là tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn, còn tấ cả những người khác chẳng là gì. Đó là thái độ đáng bị khiển trách trước hết. “Đừng xét đoán… đừng lên án” trong ý nghĩa thực chất của nó có nghĩa là để giáo dục, để dạy bảo, và để sửa sai. Xét đoán là để thăng tiến chứ không phải là để đạp đổ. Phê bình với tình yêu để hướng dẫn và cảm hóa người khác, chứ không phải là để phê bình hạ nhục hay nhìn người khác với cặp mắt khinh thường. Phê bình tích cực là hướng dẫn cho người khác biết rằng họ ở trong tình trạng sai trái với con đường của Chúa, họ cần phải thức tỉnh và sửa sai, chứ không phải là thóa mạ, sát phạt như thể họ đáng tội của họ.

Ngày nay, khi đề cao chủ nghĩa cá nhân, chúng ta nhận thấy con người dễ cho mình quyền “được xét đoán và phê bình” người khác. Lắm khi người ta viện cớ sửa sai người khác mà quan niệm rằng: “phải nói cho thật nặng, thì họ mới nghe”. Nghe thì có lý, thế nhưng, thực tế cho thấy những người có lòng nhân hậu lại không đồng tình với quan niệm này. Cách của họ làm là giơ cây thật cao, đánh thật khẽ, không phải là lên án hay chỉ trích. Lên án hay chỉ trích chỉ mang lại sự thù hận chứ không mang lại yêu thương. Còn để mà “chứng minh” cái sai cái dở của họ bằng cách phê bình chỉ trích, thì như thế lại đi ngược lại với lòng nhân từ. Thật vậy, Càng xét đoán bao nhiêu thì càng bớt nhân từ bấy nhiêu. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhân từ như Chúa là cha nhân từ. Người luôn chậm giận và giàu tình thương, Người không kết án ai, nhưng luôn hy vọng và chờ đợi con người sám hối trở về: “cây lau bị giập, người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3).

Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Người là Thiên Chúa đã đến và băng bó những vết thương tâm hồn những người sầu khổ. Xin cho chúng ta luôn biết ra khỏi chính mình để đến với anh chị em, xin đừng để lòng chúng ta ra vô cảm, nhưng biết chạnh lòng và xót thương những người cần chúng ta hơn. Amen.


Comments are closed.